CÁC BƯỚC HOÀN THIỆN NỘI THẤT NHÀ CHUNG CƯ BÀN GIAO THÔ
Mua chung cư bàn giao thô đồng nghĩa với việc chủ nhà được toàn quyền thiết kế, hoàn thiện căn hộ theo sở thích của mình, từ khâu chọn vật liệu đến lối bài trí nội thất. Tuy nhiên, chủ nhà cũng phải dành nhiều thời gian để kiểm soát quá trình hoàn thiện nhà. Vì thế, người muốn mua nhà theo hình thức này cần tìm hiểu quá trình hoàn thiện nhà thì mới tối ưu được chi phí, đảm bảo chất lượng thi công.
Chủ nhà sẽ thu được "thành phẩm" đúng như mong đợi nếu có kế hoạch hoàn thiện nội thất nhà chung cư rõ ràng, chi tiết.
Bước 1. Chuẩn bị kế hoạch trước khi nhận bàn giao nhà
Trước khi nhận bàn giao căn hộ chung cư, chủ nhà nên tiến hành một số công việc sau:
Dự trù chi phí
Trước tiên, bạn cần xác định được mức chi phí dự định đầu tư. Từ đó, cân đối các hạng mục và vật dụng cần đầu tư. Nếu chủ nhà thuê đơn vị thiết kế thi công trọn gói thì chỉ cần đưa ra mức chi phí, nhà thầu sẽ lên kế hoạch thực hiện trong giới hạn con số này. Còn nếu tự mình hoàn thiện nội thất thì bạn sẽ phải phân bổ chi phí theo các mục chính như:
- Chi phí cho phần thô: đường điện nước, sơn bả, sàn, trần thạch cao
- Chi phí cho phần nội thất: tủ bếp, giường, tủ quần áo, tủ giày, kệ tivi, bàn làm việc, giá sách, sofa…
- Chi phí cho phần thiết bị: tủ lạnh, máy giặt, tivi, bình nóng lạnh, điều hòa, bếp, thiết bị vệ sinh…
Ngoài ra, hãy dành thời gian tham khảo các loại vật liệu hoàn thiện căn hộ như: vật liệu ốp lát, thạch cao, sàn gỗ, sơn bả… để nắm bắt được đơn giá trung bình cũng như có thêm kiến thức, kinh nghiệm khi trao đổi với đơn vị thiết kế, thi công.
Định hình phong cách thiết kế
Lựa chọn phong cách hoàn thiện tùy theo ngân sách, diện tích nhà và sở thích cá nhân. Phong cách hiện đại, tối giản thường đem lại không gian gọn gàng, ngăn nắp, trong khi đó, phong cách tân cổ điển đem đến không gian sang trọng. Mặt khác, phong cách hiện đại, tối giản thường tốn ít chi phí hơn so với phong cách tân cổ điển.
Bước 2. Lựa chọn đơn vị thiết kế và các đội thợ
Để tìm thuê được đơn vị thiết kế, thi công uy tín, cách an toàn và hiệu quả nhất là dựa vào giới thiệu của bạn bè, người thân đã từng sử dụng dịch vụ và cảm thấy hài lòng. Ngoài ra, bạn cũng có thể lọc ra những đơn vị thiết kế nội thất uy tín thông qua kết quả tìm kiếm trên internet, tiến hành tham khảo, so sánh bảng giá, tham khảo các dự án, công trình mà đơn vị đó trực tiếp đảm nhận thiết kế, thi công. Nếu không thuê thiết kế, bạn sẽ là người lên ý tưởng và tự mình triển khai kế hoạch từ A đến Z. Trong trường hợp thuê thiết kế, bạn cần quyết định thuê trọn gói hay thuê thiết kế riêng, thi công riêng.
Bước 3. Tổ chức gặp mặt các bên
Sau khi nhận bàn giao căn hộ chung cư, bạn hãy gọi các đơn vị thiết kế, thi công (đã chọn trước) đến để họ khảo sát tư vấn, thiết kế nội thất. Nếu không thuê thiết kế thì bạn gọi các đội thợ: thợ xây, thợ điện nước, thợ cơ khí, thợ mộc, trần thạch cao… đến đo đạc, đàm phán về giá cả và ký hợp đồng. Nếu có đơn vị đảm nhiệm toàn bộ quá trình thi công hoàn thiện thì sau khi thiết kế xong, bạn hãy sắp xếp cho đơn vị thiết kế và đơn vị thi công gặp nhau để thống nhất về bản vẽ thiết kế và kỹ thuật thi công.
Nếu không có đơn vị thi công, sau khi xong thiết kế, bạn nên tổ chức cho đơn vị thiết kế và tất cả các đội thợ gặp nhau. Mục đích là để các bên liên quan thống nhất về bản vẽ thiết kế cũng như kỹ thuật thi công vì trong hồ sơ thiết kế nội thất có nhiều chỗ chưa được thể hiện rõ hoặc nhiều khi người thi công chưa hiểu hết ý tưởng của bản vẽ. Do vậy, cần bên thiết kế trực tiếp giải thích cụ thể hơn. Trong quá trình bàn bạc, rất có thể bên thi công sẽ phát hiện được một vài chi tiết không khả thi nếu thực hiện theo bản vẽ, từ đó ba bên sẽ cùng bàn bạc, đưa ra phương án thay thế, tránh được các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công.
Bước 4. Triển khai thi công, hoàn thiện căn hộ chung cư
Sau khi đã gặp gỡ, trao đổi, bên hoàn thiện sẽ tự sắp xếp để thi công. Với trường hợp không có đơn vị thi công và bạn gọi thợ thì quy trình tiến hành như sau:
Thợ điện nước
Thợ điện nước (thường nhận lắp cả điều hòa và ống hút mùi) và thợ thạch cao thường thi công cùng nhau. Nguyên nhân là vì dây điện chờ trên trần, ống điều hòa hay cáp camera… sẽ liên quan đến trần thạch cao.
Thợ làm trần thạch cao
Thợ làm trần thạch cao cũng có thể nhận sơn bả luôn. Cần thi công trần thạch cao trước khi lát nền để tránh giáo mác, dụng cụ và vật liệu thi công rơi xuống làm ảnh hưởng đến sàn nhà.
Trước khi làm trần thạch cao, chủ nhà cần tính đến việc có lắp quạt trần, đèn chùm hay không và lưu ý đội thợ thạch cao để treo móc và nở sắt trên trần tránh trường hợp phải đục thạch cao hoạc treo gá vào xương thạch cao vừa nguy hiểm, vừa mất thẩm mỹ.
Khi lắp đèn LED âm trần ở vùng bếp, cần tính sẵn vị trí, kích thước tủ bếp trên để đèn LED không bị tủ bếp che kín.
Đội thợ xây (thợ nề)
Nếu không có hạng mục xây sửa mới, trát tường thì thợ xây có thể đến sau đội thi công điện, nước và thạch cao. Các công việc cần thực hiện ở bước này bao gồm: ốp ban công, làm cửa sổ, cửa sắt, lưới an toàn, giàn phơi, ô thoáng…
Đội thợ sơn
Sau khi đi lại điện, làm trần thạch cao, đường chờ điều hòa sẽ đến bước sơn bả tường (nếu cần sơn lại).
Lắp đặt thiết bị, nội thất
Sau khi đường điện, nước đã ổn, khâu ốp, lát cũng xong xuôi thì có thể tiến hành lắp đặt, đấu nối các thiết bị như bình nóng lạnh, điều hòa, tủ bếp, rèm cửa…
Khi lắp tủ bếp, bàn đá bếp, bạn cũng nên báo bên bếp, hút mùi, vòi, chậu rửa mang đồ đến phối hợp lắp luôn để nếu có vấn đề phát sinh thì sẽ được xử lý kịp thời.
Ghép sàn gỗ
Sau khi lắp giường, tủ thì ghép sàn gỗ. Lời khuyên cho bạn là nên chọn loại sàn dày 12mm và chịu nước.
Trang trí, hoàn thiện
Lúc này, mọi thứ đã gần hoàn thiện, bạn có thể tiếp tục trang trí, hoàn thiện những chi tiết nhỏ, chẳng hạn như mua tranh, đồ thờ, lọ hoa, bàn trà…
Rõ ràng, rất khó để lường trước toàn bộ công việc, tình huống phát sinh trong quá trình hoàn thiện nội thất nhà chung cư. Do vậy, một kế hoạch cụ thể, rõ ràng và chi tiết sẽ giúp quá trình thi công trơn tru hơn, hạn chế các công việc và chi phí phát sinh không đáng có.
Theo Khánh An (tổng hợp)