7 Ý TƯỞNG ĐƠN GIẢN THIẾT KẾ KHÔNG GIAN MỞ CHO NGÔI NHÀ CỦA BẠN
Không chỉ ở các siêu đô thị, không gian sống hiện đại ngày nay của rất nhiều gia đình về cơ bản là không rộng rãi. Gia chủ sẽ phải chấp nhận có những không gian mở - không gian tích hợp nhiều chức năng trong cùng một sàn mà không có vách ngăn tiêu chuẩn, ví dụ như kết hợp phòng bếp với phòng ăn và phòng khách hay kết hợp phòng khách với phòng làm việc, phòng đọc sách…
Kết hợp nhiều mục đích, nhiều tính năng trong khi vẫn cần đạt được những đặc trưng của từng không gian luôn là một thách thức cho những người thiết kế. Sau đây là một vài gợi ý những cách thức đơn giản để tối ưu hóa những không gian mở như thế trong ngôi nhà của bạn.
1/ Sử dụng thảm
Bạn có thể tạo ra không gian của phòng khách chỉ đơn giản với việc sử dụng thảm. Một tấm thảm lớn sẽ giúp xác định không gian của khu vực tiếp khách. Không nhất thiết toàn bộ bộ bàn ghế/sofa phải đặt gọn trên thảm; Thậm chí bạn có thể chỉ cần đặt hai chân trước của ghế sofa lên thảm. Bạn có thể tự quan sát và xác định kích cỡ và cách thức đặt thảm cho phù hợp với độ lớn không gian tiếp khách và thảm.
2/ Sắp xếp lại đồ đạc
Bằng việc đặt một bộ bàn ăn dài, song song với bộ sofa và khu vực bàn bếp, bạn có thể phân tách rõ nét khu vực bếp với khu vực ăn và phòng khách, tạo cho mỗi khu vực các không gian riêng với những đặc trưng riêng.
3/ Bổ sung một số loại vách ngăn tự nhiên
Bạn có thể bổ sung một số loại vách ngăn tự nhiên để giúp phân chia không gian. Mặc dù cần bảo đảm tính đa dụng cho không gian mở, bạn vẫn luôn có thể tạo dựng không gian riêng tư cho các thành viên gia đình với các vách ngăn bổ sung như vậy.
Ví dụ, nếu bạn có một không gian phòng làm việc trong không gian phòng khách, bạn có thể sử dụng một giá sách lớn, có thể di chuyển được để làm vách ngăn tự nhiên. Các loại bồn cây cao cũng có thể sử dụng như những bước tường xanh để giúp các thành viên gia đình vẫn luôn có không gian riêng dành cho mình. Nếu phân tách không gian làm việc, ‘bức tường xanh bằng cây’ có một lợi thế là làm giảm tiếng ồn cho không gian mở của ngôi nhà bạn.
4/ Sử dụng các chi tiết trang trí bổ sung
Việc sử dụng các chi tiết trang trí bổ sung có thể nhấn mạnh một thành phần trung tâm của một không gian riêng, qua đó làm nổi bật hơn sự tồn tại của không gian đó trong toàn bộ không gian mở của ngôi nhà. Ví dụ, bàn ăn thường là vật thể trung tâm của phòng ăn. Nếu bạn đặt một chiếc gương lớn trên tường, đối diện với bàn ăn, chiếc gương sẽ vừa làm nổi bật thêm chiếc bàn ăn như một nhân tố trung tâm của không gian này, vừa có tác dụng làm cho khu vực phòng ăn như rộng hơn.
5/ Bổ sung thêm ánh sáng
Các không gian đã nhỏ sẽ càng trở nên nhỏ hơn trong ánh sáng yếu và ảm đạm. Vì vậy, bạn có thể bổ sung những nguồn sáng như bố trí đèn treo trên bàn quầy bếp hoặc lắp các bóng đèn có công tắc vô cực điều chỉnh độ sáng để vừa có thể làm không gian trông rộng hơn, vừa có thể điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp mục đích sử dụng khi cần.
6/ Tạo một bàn quầy ăn
Nếu không gian nhà bạn quá nhỏ để có thể có phòng khách và phòng ăn riêng, bạn có thể cải tạo bàn quầy bếp trở thành một bàn ăn tiện dụng nhưng không kém phần mỹ thuật.
7/ Tạo ra một hành lang cho lối đi vào
Bạn có thể đặt một tấm thảm dài thẳng cửa ra vào với chiều rộng của thảm rộng hơn cửa; điều này sẽ giúp xác lập một khu vực ra vào riêng trong không gian mở. Ngoài ra, bạn hãy đặt thêm một chiếc ghế đơn hay ghế băng với chiều dài vừa phải làm nơi tháo/cởi vầ đi giầy. Bạn cũng có thể đóng thêm một vài chiếc móc ở tường để khách có thể treo áo, mũ của mình. Một không gian khác biệt sẽ được định hình với các trang trí chi tiết như trên./.
CTV Bảo Trung/VOV.VN
Theo Theoldhouse