XÂY DỰNG KHU ĐÔ THỊ, KHU DÂN CƯ: KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG NHỎ LẺ, HẠ TẦNG KHÔNG ĐỒNG BỘ

13/04/2021 - Thông tin quy hoạch
Để đáp ứng nhu cầu phát triển, mở rộng không gian và chỗ ở cho người dân, những năm qua trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có hàng trăm dự án xây dựng hạ tầng tạo quỹ đất ở được triển khai. Sau giai đoạn bùng nổ về số lượng, đã đến lúc cần yêu cầu cao hơn về chất lượng, hình thành những khu đô thị (KĐT), khu dân cư (KDC) đầy đủ hạ tầng, hiện đại.

Nhiều dự án "mi ni"

Toàn tỉnh hiện có hơn 500 dự án hạ tầng kỹ thuật tạo quỹ đất ở được phê duyệt chủ trương, chấp thuận đầu tư, trong đó gần 470 dự án sử dụng vốn đầu tư công, hơn 30 dự án vốn ngoài ngân sách, diện tích gần 1.600 ha đất với tổng mức đầu tư hơn 16 nghìn tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, các dự án cung cấp ra thị trường hơn 53 nghìn lô đất (thực tế đã chuyển nhượng gần 21 nghìn lô). 

Untitled300.png

Xây dựng hạ tầng KDC Nam Hồng, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang).

Sự phát triển nhanh các dự án tạo quỹ đất ở khiến Bắc Giang trở thành một trong những địa phương có giao dịch mua bán bất động sản sôi động trong cả nước. Việc thu hút các doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư vào lĩnh vực này tạo quỹ đất ở giúp giảm áp lực cho Nhà nước, đồng thời tăng thu ngân sách từ thu tiền sử dụng đất các dự án. Bên cạnh đó góp phần mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy quá trình đô thị hóa.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực này cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần khắc phục. Ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Phát triển đô thị và Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) cho rằng, trước hết công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch chưa thực sự được coi trọng, nhiều địa phương thực hiện thiếu nghiêm túc các nguyên tắc trong lập, điều chỉnh quy hoạch dẫn đến nhiều dự án không đồng bộ, manh mún. 

Một số dự án chưa quan tâm hạ tầng xã hội, công trình công cộng và hệ thống cây xanh, mặt nước, còn tình trạng chia nhỏ dự án trong cùng khu vực quy hoạch, ảnh hưởng đến tính đồng bộ và hiệu quả đầu tư như: Dự án KĐT- dịch vụ Đồng Cửa Đầu, Khu Đầu, Đình Giã, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên); KDC số 4, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang); KDC Đông Bắc, thị trấn Vôi (Lạng Giang)…

Tìm hiểu được biết, nhiều KDC quy mô nhỏ và rất nhỏ, chỉ từ 0,3 đến 0,5 ha, tổng mức đầu tư dưới 1 tỷ đồng/dự án, hạng mục đầu tư sơ sài (chỉ san nền làm rãnh thoát nước). Phổ biến như huyện Tân Yên có 72/84 dự án quy mô dưới 1 ha, trong đó 57 dự án có quy mô từ 0,5 ha trở xuống; huyện Yên Thế có 26/30 dự án quy mô từ 0,5 ha trở xuống; huyện Lục Nam có 27 dự án quy mô dưới 1 ha, trong đó 26 dự án có quy mô từ 0,5 ha trở xuống… 

Nhiều dự án KDC chủ đầu tư tranh thủ bám dọc đường tỉnh, đường huyện không lập quy hoạch tổng mặt bằng trình Sở Xây dựng thẩm định, phê duyệt như dự án hạ tầng KDC thôn Tân An, thôn Cầu, xã Tân Sỏi (Yên Thế); dự án hạ tầng kỹ thuật KDC thôn Mồ, xã Đức Giang (Yên Dũng)… 

Cá biệt có dự án hạ tầng kỹ thuật tạo quỹ đất ở chưa quan tâm đến việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật với khu vực xung quanh (thoát nước mưa, nước thải), hệ thống xử lý nước thải chung chưa được đầu tư, vì vậy xả thải trực tiếp ra kênh, mương, ao, hồ ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Điển hình dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Cụm dân cư thôn Văn Miếu, xã Việt Lập (Tân Yên) đang được thực hiện dở dang, chỉ có một đoạn đường giao thông nội bộ, rãnh thoát nước, nền được đầu tư còn chưa có nước sạch, xử lý nước thải. Được biết, dự án này thi công khi chưa có văn bản của Sở Xây dựng chấp thuận thiết kế và cấp phép thi công xây dựng cho đấu nối đường nhánh của dự án và quốc lộ 17.

Tăng trách nhiệm thẩm định, phê duyệt

Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm thuộc về UBND cấp huyện, xã, các chủ đầu tư trong việc quy hoạch, xây dựng các điểm dân cư phân tán, manh mún, thiếu đồng bộ, chưa quan tâm đấu nối giữa hạ tầng của dự án với các khu vực hiện trạng xung quanh. Nhiều địa phương chỉ chú trọng đến hiệu quả kinh tế mà chưa quan tâm hiệu quả xã hội, nâng cao chất lượng hạ tầng, môi trường sống cho người dân. 

Untitled3002.png

Cụm dân cư thôn Văn Miếu, xã Việt Lập (Tân Yên) được đầu tư xây dựng sơ sài, dở dang, thiếu hệ thống cung cấp nước sạch, thu gom, xử lý nước thải.

Một số nhà đầu tư khi thực hiện dự án không còn đủ năng lực tài chính nên không thể triển khai theo tiến độ đã được chấp thuận hoặc đầu tư chưa đầy đủ các hạng mục. Sở Xây dựng cũng có trách nhiệm trong công tác quản lý về thực hiện chương trình phát triển nhà ở, đô thị; việc lập, thẩm định, điều chỉnh quy hoạch và thẩm định chấp thuận đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, quản lý chất lượng công trình ở các dự án KDC.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thông tin: Sở sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, TP thực hiện tốt công tác lập, thẩm định các đồ án quy hoạch KDC, KĐT; bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cảnh quan đô thị; quan tâm hơn nữa việc quy hoạch xây dựng các hạng mục hạ tầng xã hội, công trình công cộng, cây xanh, hồ nước… nâng cao chất lượng mỹ quan đô thị, tạo ra môi trường sống tốt hơn cho người dân. 

Thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện dự án, chất lượng công trình; kiên quyết khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, phân tán, chia nhỏ, thiếu đồng bộ trong việc thực hiện các dự án để tạo ra KĐT, KDC đồng bộ, hiện đại, phục vụ phát triển địa phương.

Các huyện, TP và sở, ngành chức năng giám sát chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng dự án; tiến độ và chất lượng thực hiện dự án. Nếu phát hiện vi phạm yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công và khắc phục những tồn tại để bảo đảm chất lượng công trình cũng như các yêu cầu về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân khi mua đất, xây nhà.

Theo vietnammoi