TOÀN CẢNH VÀNH ĐAI XANH SÔNG NHUỆ HÀ NỘI SAU HƠN 5 NĂM QUY HOẠCH

29/06/2021 - Thông tin quy hoạch
Là nơi phát triển không gian xanh của Hà Nội, Vành đai xanh sông Nhuệ được quy hoạch khống chế chiều cao và mật độ xây dựng của các công trình. Đây cũng là phân khu đô thị tập trung nhiều trục giao thông lớn, hệ thống metro, monorail,... ở thủ đô.

Untitled5.png

Toàn cảnh Vành đai xanh sông Nhuệ (GS 1-6) của Hà Nội và các trục giao thông lớn chạy qua

Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch chung, Vành đai xanh sông Nhuệ được định nghĩa là vùng đệm cách biệt giữa khu vực nội đô mở rộng với khu vực đô thị mở rộng phía Nam sông Hồng; được định hướng là nơi phát triển không gian xanh của Hà Nội.

Nếu phân khu sông Hồng là ranh giới giữa các quận trung tâm (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng,…) với các quận, huyện ngoại thành ở bờ Đông (Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm) thì Vành đai xanh sông Nhuệ lại là một dấu gạch nối giữa khu vực nội đô với các huyện phía Tây (Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai,…).

Mặc dù đã được đưa vào quy hoạch chung, song phải đến ngày 13/8/2015, Vành đai xanh sông Nhuệ mới được UBND TP Hà Nội thông qua đồ án Quy hoạch phân khu đô thị GS.

Phân khu đô thị GS Hà Nội có quy mô khoảng 6.660,5 ha, bao gồm Vành đai xanh sông Nhuệ (GS 1-6) và các nêm xanh phía Nam sông Hồng (GS 7-11).

Vành đai xanh sông Nhuệ chạy dọc theo hai bên bờ sông Nhuệ (từ Vành đai 3,5 đi về phía Bắc đến sông Hồng), đi qua địa bàn các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai và các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Thường Tín.  

Untitled6.pngĐại lộ Thăng Long và Quốc lộ 32 (đường Cầu Diễn).

Untitled7.png

Trục đường Xa La - Nguyễn Xiển nối Vành đai 4 - KĐT Thanh Hà - KĐT Xa La - Vành đai 3.

Untitled8.png

Trục Tây Thăng Long và trục đường Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài).

Với việc bám theo bờ sông Nhuệ, Vành đai xanh sông Nhuệ giống như một dải đất vòng cung, trải dài từ khu vực Tây Bắc (điểm giao với sông Hồng) đến khu phía Nam của trung tâm Hà Nội (giới hạn bởi đường vành đai 3,5). 

Cũng bởi lẽ đó, Vành đai xanh sông Nhuệ là nơi có rất nhiều các trục đường giao thông lớn của Thủ đô đi qua. 

Về hệ thống đường cao tốc đô thị, nằm trong phân khu này có hai con đường. Đầu tiên là Đại lộ Thăng Long với mặt cắt ngang 140 m (gồm 6 làn cao tốc và đường gom song hành). Tuyến đường này trước đây là đường Láng - Hòa Lạc, được mở rộng thông xe ngày 3/10/2010. 

Đại lộ Thăng Long đi qua địa bàn 4 huyện gồm Từ Liêm (nay là Nam Từ Liêm), Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất, tổng chiều dài hơn 29 km, tổng mức đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng.

Tiếp đến là cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với mặt cắt ngang 90 m, gồm 6 làn xe cao tốc, hai làn dự phòng và 4 làn đường gom hai bên. Đường có chiều dài 29 km, tổng mức đầu tư hơn 6.700 tỷ đồng. Mới đây, dự án vừa được đề xuất mở rộng quy mô từ 6 làn xe lên thành 8 -10 làn xe.

Bên cạnh hai đường cao tốc, nằm trên Vành đai xanh sông Nhuệ còn có đường Vành đai 3,5 với mặt cắt ngang 60 m, gồm 6 làn xe cơ giới và đường gom; đoạn Vành đai 3,5 đi cùng với đường sắt có mặt cắt ngang 80 m.

Quốc lộ 1A với mặt cắt ngang 46 m, gồm 6 làn xe cơ giới; trục Tây Thăng Long với mặt cắt ngang 60,5 m, gồm 6 làn xe cơ giới; tuyến đường nối Vành đai 4 - KĐT Thanh Hà - KĐT Xa La - Vành đai 3 (trục Nguyễn Xiển - Xa La) với mặt cắt ngang 60 m, gồm 6 làn xe cơ giới; đường Trần Phú đoạn qua quận Hà Đông (khu vực Cầu Trắng); đường Cầu Diễn (Quốc lộ 32) với mặt cắt ngang 50 m, gồm 8 làn xe cơ giới.

Ngoài ra còn có một số đường trục lớn khác như trục Hồ Tây - Ba Vì (đường Hoàng Quốc Việt kéo dài), kết nối trung tâm Hà Nội với đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Trục đường quy hoạch 40 m nối Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội (HaBiotech) đi Xuân Phương. 

Đồng thời, hai bên sông Nhuệ sẽ xây dựng tuyến đường ven sông với mặt cắt ngang lần lượt 12 m và 17,5 m, bao gồm hai làn xe cơ giới.

Untitled9.png

Untitled10.png

Ga Phú Diễn hiện nay theo quy hoạch sẽ cải tạo nâng cấp và mở rộng lên 45 ha, là ga trung chuyển của các tuyến metro.

Untitled11.png

Tuyến metro số 3 Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao và tuyến đường sắt quốc gia nằm trên Vành đai xanh sông Nhuệ.

Với đặc thù trải dài từ Bắc xuống Nam, Vành đai xanh sông Nhuệ theo quy hoạch cũng là khu vực tập trung dày đặc hệ thống đường sắt từ metro cho đến monorail.

Đầu tiên là tuyến metro số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên, dự kiến đi trên cầu cạn dọc Quốc lộ 1A, nối ga Ngọc Hồi với ga Yên Viên, là tuyến đường sắt đô thị kết hợp với tuyến đường sắt quốc gia, được cải tạo dựa trên tuyến đường sắt quốc gia hiện có.

Tuyến metro 2A Cát Linh - Hà Đông chạy trên cao dọc theo trục đường Trần Phú - Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6). Hiện nay dự án này đã hoàn thành xây dựng, chuẩn bị đưa vào khai thác thương mại.

Tuyến metro số 3 Nhổn - Ga Hà Nội chạy trên cao dọc theo trục đường Cầu Diễn (Quốc lộ 32) nối từ Nhổn qua Ga Hà Nội đến Hoàng Mai. Hiện nay, đoạn tuyến trên cao Nhổn - Cầu Giấy trên cao đã hoàn thành, trong khi đoạn đi ngầm Kim Mã - Ga Hà Nội đang được thi công xây dựng.

Tuyến metro số 4 nối Mê Linh qua Đông Anh, Sài Đồng, Vĩnh Tuy, Hoàng Mai, Vành đai 2,5 đến Liên Hà. Tuyến này sẽ đi qua Vành đai xanh sông Nhuệ qua trục Tây Thăng Long.

Tuyến metro số 5 dự kiến đi trên cầu cạn kết hợp đi ngầm, nối từ đường Văn Cao đi đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Tuyến này sẽ chạy qua trục Ngọc Khánh - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long.

Tuyến metro số 6 chạy dọc theo tuyến đường sắp quốc gia vành đai hiện có, nối từ Nội Bài qua Ga Phú Diễn, Hà Đông đến Ngọc Hồi.

Tuyến metro số 8 nối từ Mai Dịch đi Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá. Đoạn tuyến qua Vành đai xanh sông Nhuệ sẽ chạy dọc theo đường Hoàng Quốc Việt kéo dài (trục Hồ Tây - Ba Vì).

Tuyến đường sắt một ray (monorail) M2 đi qua Vành đai xanh sông Nhuệ được chia làm hai nhánh. Nhánh 1 kết nối Mai Dịch - Mỹ Đình - Văn Mỗ - Phúc La. Nhánh 2 nối Giáp Bát - Thanh Liệt - Phú Lương. 

Đối với ga đường sắt, theo quy hoạch Ga Phú Diễn sẽ cải tạo nâng cấp và mở rộng trên cơ sở ga hiện có thành ga đường sắt đô thị với chức năng là nhà ga trung chuyển hành khách giữa các loại hình giao thông, diện tích khoảng 45 ha.  

Theo quy hoạch được phê duyệt, Vành đai xanh sông Nhuệ có 6 khu vực trọng tâm được tập trung phát triển.

Đầu tiên là cụm công trình công cộng không gian mở ven trục Tây Thăng Long, gồm Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội (HaBiotech), cụm công nghiệp Phú Minh và khu vực trung tâm hành chính quận Bắc Từ Liêm.

Nằm trên trục Hồ Tây - Ba Vì sẽ bố trí tổ hợp công trình văn hóa, dịch vụ thương mại đô thị gắn với công viên trung tâm và tuyến xanh hai bên trục. Hình thành không gian đi bộ với các công trình nhà hát, bảo tàng, trung tâm thương mại, cung văn hóa,...

Đối với trục Đại lộ Thăng Long, bố trí công trình văn hóa lịch sử tiếp giáp với không gian sông Nhuệ và tuyến xanh hai bên đại lộ, trong đó công trình trọng điểm là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và trụ sở các đơn vị thuộc Bộ Quốc Phòng.

Tiếp đến là cụm công trình hai bên tuyến đường Phan Trọng Tuệ - Phùng Hưng, gồm KĐT Xa La, KĐT Cầu Bươu, KĐT Đại Thanh,...

Hai khu vực trọng tâm còn lại gồm có Bến du thuyền sông Hồng; Cung thể thao và sân vận động trung tâm tại khu vực công viên thể thao, vui chơi giải trí.

Untitled12.png

Do quy hoạch khống chế chiều cao, phần diện tích nằm trên Vành đai xanh sông Nhuệ của Vinhomes Smart City đều là các hạng mục thấp tầng như biệt thự liền kề, trung tâm thương mại,... Thay vào đó, các chung cư cao tầng của dự án này sẽ được bố trí ở phân khu S3 nằm cạnh Vành đai xanh sông Nhuệ.

Với chức năng là không gian xanh của Hà Nội, việc xây dựng các dự án, công trình trên Vành đai xanh sông Nhuệ được quy hoạch theo xu hướng tiết kiệm quỹ đất, hạn chế chiều cao.

Đối với đất công cộng (bao gồm các trung tâm văn hóa, thương mại, tài chính, dịch vụ, y tế,...), khuyến khích khai thác không gian ngầm nhằm tăng quy mô sàn sử dụng, tiết kiệm quỹ đất và hạn chế ảnh hưởng đến không gian cảnh quan khu vực.

Đối với đất ở đô thị, khuyến khích giảm tầng cao và mật độ xây dựng, tăng tỷ lệ cây xanh mặt nước, sử dụng các hình thức kiến trúc xanh, truyền thống.

Quỹ đất dành cho địa phương sẽ ưu tiên sử dụng cho hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phục vụ địa phương, đất di dân/giãn dân, bố trí cho dân cư nằm trong hành lang sông Nhuệ. Trong đó, quy hoạch nhấn mạnh, không sử dụng quỹ đất này để bố trí tái định cư cho các dự án hoặc bố trí các dự án thương mại.

Đối với các dự án đầu tư có chức năng nhà ở, phải điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo tỷ trọng dành cho đất công cộng, dịch vụ tối thiểu 50% quỹ đất dự án.

Về bố cục không gian toàn khu vực Vành đai xanh sông Nhuệ, tập trung phát triển không gian cây xanh, mặt nước, các công trình thấp tầng và các không gian mở.

Khu vực cao tầng tại Vành đai xanh sông Nhuệ chỉ được hình thành trên cơ sở các cụm công trình đã đầu tư xây dựng hoặc trên những tuyến giao thông chính kết nối với các phân khu lân cận như khu vực Đông Nam Ga Phú Diễn, hai bên đường Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài) và khu vực Xa La - ĐT.70.

Theo vietnammoi