LẤY Ý KIẾN QUY HOẠCH SÂN BAY LÝ SƠN 285 HA

16/06/2021 - Thông tin quy hoạch
Theo dự thảo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, dự án Cảng hàng không quốc tế Lý Sơn có diện tích 285 ha.

UBND huyện Lý Sơn đang lấy ý kiến người dân về hồ sơ Quy hoạch sử dụng đất huyện Lý Sơn giai đoạn 2021-2030. 

Dự thảo danh mục các dự án, công trình thực hiện do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất có hai dự án gồm: Cảng hàng không quốc tế Lý Sơn, diện tích 285 ha, vị trí ở xã An Hải.

Dự án thứ hai là Khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, diện tích 7.925 ha, trong đó diện tích biển là 7.113 ha. Vị thực hiện dự án tại huyện Lý Sơn.

9.png

Một góc đảo Lý Sơn. (Ảnh: TTXVN).

Trả lời trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi về dự án Cảng hàng không quốc tế Lý Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, cho biết UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Cục hàng không xin được chấp thuận chủ trương bổ sung, cập nhật Cảng hàng không quốc tế Lý Sơn vào Quy hoạch tổng thể hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2050. 

Dự kiến đây sẽ là sân bay cấp 4C với năng lực khai thác từ  3 - 3,5 triệu hành khách/năm. Theo hình thức BOT (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước). 

"Định hướng quy hoạch là như vậy nhưng tỉnh sẽ căn cứ trên tình hình phát triển của từng giai đoạn để phân kỳ đầu tư cũng như kêu gọi đầu tư phù hợp", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói.

Cũng theo ông Minh, việc xã hội hóa xây dựng sân bay là phù hợp với xu thế phát triển, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Nếu được Chính phủ chấp thuận, Quảng Ngãi cam kết sẽ lựa chọn nhà đầu tư giàu tiềm lực, giàu kinh nghiệm để dự án được triển khai đúng tiến độ,̀ đạt hiệu quả cao nhất.

"Chúng tôi hiểu rằng việc đề xuất đưa sân bay vào quy hoạch là một chuyện. Còn chuyện quan trọng hơn đó là phải tìm kiếm, mời gọi được nhà đầu tư lớn, có đủ năng lực, đủ tầm nhìn, đủ tâm huyết cùng địa phương chung tay phát triển kinh tế, đồng hành cùng địa phương trong chăm lo các vấn đề về đảm bảo môi trường sinh thái, xử lý  rác thải, nước thải, cung cấp nước sạch cho đảo theo những công nghệ tiên tiến. 

Chúng tôi hướng tới tìm kiếm các nhà đầu tư xứng tầm chia sẻ tầm nhìn, tâm huyết với địa phương, cùng đầu tư phát triển vì lợi ích của quốc gia nói chung và của Quảng Ngãi, của Lý Sơn nói riêng. Nếu không tìm được nhà đầu tư đủ tâm huyết, đủ tiềm lực như vậy, chúng tôi sẽ không làm", ông Minh khẳng định trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch sân bay Lý Sơn

TTXVN đưa tin, thống kê của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, cả nước hiện có 22 sân bay đang khai thác. Trong đó, hầu hết sân bay (trừ sân bay Phú Quốc, Vân Đồn) đều có nguồn gốc là sân bay quân sự, được đưa vào khai thác dùng chung hàng không dân dụng và quân sự. 

Tính đến nay có 6 sân bay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm: Nội Bài, Cát Bi, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku và Cần Thơ.

Theo kịch bản tăng trưởng GDP bình quân từ 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2030, Bộ Giao thông vận tải dự báo tổng nhu cầu sản lượng hành khách dự kiến thông qua các sân bay đến năm 2030 khoảng 278 triệu hành khách/năm, hàng hóa là 4,1 triệu tấn/năm. Đến năm 2050, sản lượng hành khách thông qua các sân bay khoảng 490,7 triệu hành khách/năm, hàng hóa khoảng 16 triệu tấn/năm.

Trên cơ sở đó, giai đoạn 2021-2030, Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy hoạch 28 sân bay. Trong đó, có 14 sân bay quốc tế và 14 sân bay quốc nội. Như vậy, ngoài các sân bay hiện có sẽ đầu tư thêm 6 sân bay gồm Long Thành (Đồng Nai), Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Sa Pa (Lào Cai), Quảng Trị và Phan Thiết (Bình Thuận).

“Ngoài ra, giai đoạn này Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bổ sung quy hoạch, xây dựng sân bay tại các đảo như Lý Sơn, Phú Quý... quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh…”, Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Với quy hoạch trên, Bộ Giao thông vận tải cho biết, nhu cầu vốn khoảng 401.106 tỷ đồng để hiện thực hóa giai đoạn này.

Trong khi đó giai đoạn đến năm 2050, Bộ Giao thông vận tải đề xuất chỉ bổ sung sân bay Cao Bằng (sân bay nội địa) vào quy hoạch, nâng tổng số sân bay của cả nước lên 29. Số vốn để đầu tư và nâng cấp các sân bay giai đoạn này dự kiến khoảng 596.352 tỷ đồng.

Theo vietnammoi