ĐỘNG LỰC MỚI TRONG THÚC ĐẨY BẤT ĐỘNG SẢN PHÍA ĐÔNG THỦ ĐÔ

25/10/2022 - Thông tin quy hoạch
(Chinhphu.vn) - Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và UBND TP. Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là bước khởi đầu nhằm hiện thực hóa giấc mơ "thành phố hai bên bờ sông", và là bước tiến mới thúc đẩy sự phát triển bất động sản (BĐS) phía đông Thủ đô.
 
25/10/2022  13:39
Động lực mới trong thúc đẩy bất động sản phía đông Thủ đô - Ảnh 1.

Diễn đàn "Quy hoạch chuỗi đô thị ven sông Hồng - Chuyên đề II: Sức hút phía đông Hà Nội" - Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Ngày 25/10, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn "Quy hoạch chuỗi đô thị ven sông Hồng - Chuyên đề II: Sức hút phía đông Hà Nội".

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Đề án phân khu đô thị sông Hồng tỉ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), với quy mô gần 11.000 ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện được Hà Nội phê duyệt ngày 25/3/2022 đã thay đổi cách tiếp cận, theo nguyên tắc thuận thiên lấy phòng chống lũ làm hàng đầu, cải tạo khu vực dân cư hiện hữu, bảo đảm chất lượng sống cho dân cư hai bên sông, bảo tồn các công trình di tích… kết hợp khai thác quỹ đất mới để tạo lập diện mạo hai bên sông hồng, tạo không gian hài hoà phát triển.

Đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh tới 3 khu vực chính: Khu vực dân cư được tồn tại phát triển không gian sinh thái, bảo tồn tính tự nhiên; khu vực được xây dựng mới; phần còn lại là khu vực trục không gian xanh bao gồm sông Hồng, các công viên đô thị, công viên sinh thái ở bãi sông.

"Như vậy, trục không gian cây xanh mặt nước chiếm gần 80% là yếu tố quan trọng quyết định sông Hồng thành không gian cảnh quan, không gian xanh của thủ đô Hà Nội", bà Lan Hương nhấn mạnh.

Ở góc độ kiến trúc sư, ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng, Ủy viên thường trực Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá, xuyên suốt trong Quy hoạch chung của Hà Nội đều lấy sông Hồng làm trục phát triển. Đây là ý tưởng tốt. Đặc biệt, tại Quy hoạch chung của TP. Hà Nội năm 2011, trục sông Hồng chính thức hiện thực hoá và nằm trong Thành phố.

Chia sẻ từ góc nhìn thực tế, ông Tùng cho rằng, trong giai đoạn phát triển vừa qua, ước tính có khoảng 40.000 dân sống ở đại đô thị ven đô nhưng trên thực tế mỗi năm TP. Hà Nội tiếp nhận gần 20 vạn dân. 

"Khu vực phía đông tạo sức hút khi quận Gia Lâm được thành lập vào năm 2023, rồi đến quận Đông Anh, cùng với việc triển khai đô thị sông Hồng để thu hút các nhà đầu tư và hướng dẫn để họ phát triển", ông Tùng nói. 

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản cho biết, nếu quy hoạch chiến lược không cao thì sẽ tạo ra những giá trị bất động sản không cao. Đây là kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn thị trường; ở những khu vực nào quy hoạch không tốt thì giá trị bất động sản sẽ rất thấp.

Theo ông Đính, để triển khai kế hoạch có tính khả thi cao, tạo động lực phát triển tốt thì đầu tiên nên ưu tiên các dự án phát triển hạ tầng. Như các công trình về trường học, bệnh viện, dịch vụ vui chơi giải trí, thương mại... có thể đầu tư trước.

Đồng thời, cần quản lý để bảo vệ đất đai, nhất là những khu vực đã công bố quy hoạch. Điều này hết sức quan trọng để thực hiện đúng được nội dung, tư tưởng theo quy hoạch.

Tại Diễn đàn, ông Hoàng Đình Khiêm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh và Phát triển địa ốc Vietstarland đánh giá, sự phát triển của thành phố mới, những dịch chuyển từ khu phố cổ sang khu phố mới tạo ra thành phố kinh doanh thương mại sầm uất đa chiều.

Trong tương lai, với việc phát triển thực sự về bất động sản, Đồ án quy hoạch sông Hồng sẽ biến Hà Nội thành điểm đến của các du khách quốc tế và các nhà đầu tư. Bất động sản ở đây sẽ chống lại được lạm phát và sự phát triển không ổn định của thị trường.

Minh Tâm

(Theo Báo Điện tử Chính phủ)