SỐT ĐẤT LIỆU CÓ TIẾP TỤC XẢY RA TRONG VÀI THÁNG TỚI?

28/05/2021 - Tin thị trường
Sốt đất sẽ không xảy ra trong thời gian sắp tới, ít nhất là ngắn hạn. Các nhà đầu tư chưa tham gia ngay mà còn chờ thị trường tự điều chỉnh xuống ngưỡng hợp lý.

Nếu như cơn sốt đất từng sục sôi khắp các địa phương trong quý 1/2021 thì hiện tại, sang tháng 5, sức nóng đã lắng xuống. Trong quý 1/2021, theo dữ liệu lớn (big data) của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm tăng mạnh ở loại hình đất nền, đất nền dự án. Một số khu vực ghi nhận mức tăng mạnh cả về giá bán và mức quan tâm so với quý trước như: Ba Vì - Hà Nội (mức độ quan tâm tăng 33%, giá rao bán tăng 76%), Thái Nguyên (mức độ quan tâm tăng 50%, giá rao bán tăng 15%), Bắc Ninh (mức độ quan tâm tăng 37%, giá rao bán tăng 10%), Hưng Yên (mức độ quan tâm tăng 32%, giá rao bán tăng 26%), Hòa Bình (mức độ quan tâm tăng 35%, giá rao bán tăng 102%)… Hay tại TP. Thủ Đức, giá đất nhiều khu vực cũng tăng nhiều đợt từ trước khi lên thành phố. Chẳng hạn, giá đất phường Trường Thọ nếu trước đây chỉ khoảng 40-50 triệu/m2 thì đã tăng lên 70-90 triệu đồng/m2 thậm chí 100 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, hình thức giao dịch chủ yếu vẫn là đặt cọc, sau đó ngay khi giá tăng sẽ chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.

20210527172052-6740.jpg

Mức độ quan tâm bất động sản nhiều tỉnh thành sụt giảm trong tháng 4/2021. Nguồn: Báo cáo thị trường bất động sản tháng 4/2021 của Batdongsan

Theo khảo sát của Batdongsan tại những khu vực sốt đất trước đó, thị trường hiện tại đã không còn “nhảy múa”. Tính trên toàn thị trường, mức độ quan tâm trong tháng 4 đã giảm 18%. Các tỉnh từng là điểm nóng về bất động sản như Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai… đều sụt giảm về mức độ quan tâm. Chẳng hạn, Hải Phòng giảm 36%, Bắc Ninh giảm 29%, Đà Nẵng giảm 21%... Dù thực tế thị trường đã chững lại nhưng mặt bằng giá đất không có sự sụt giảm mạnh. Nhiều nhà đầu tư vẫn đang e ngại có nên tham gia vào thị trường đất nền lúc này hay nên canh chừng đợi thời điểm và loại hình phù hợp hơn. 

Anh Mạnh Tiến (nhân viên kinh doanh tại Hà Nội) chia sẻ: “Dịch bệnh nên việc kinh doanh ảnh hưởng, tôi bỏ một khoản tiền tích trữ để mang đi đầu tư, phân bổ 30% cho chứng khoán và 70% cho bất động sản. Với bất động sản, tôi vẫn đang đau đầu lựa chọn. Vì không chuyên nên càng đọc, càng phân tích tôi lại càng thấy phân vân. Chung cư thì thị trường ổn định hơn nhưng khó tăng vọt, chưa kể hiện có nhiều dự án còn bị 'thổi phồng' giá quá mức. Còn đất nền thì cần nhiều vốn nhưng có khả năng sinh lời lớn, tuy nhiên cũng rất dễ đu đỉnh, bán đáy”. 

Có kinh nghiệm đầu tư bất động sản hơn, anh Thành mới thu lãi được 2 tỷ đồng khi bán chốt lời mảnh đất 80m2 ở Thạch Thất (Hà Nội) sau 2 năm mua vào chia sẻ: “Thị trường mới chỉ dịu xuống, giá nhiều nơi vẫn ở mức cao nên tôi tạm thời chưa mua ngay mà vẫn đang chờ và tìm cơ hội ở những khu vực tiềm năng, đặc biệt là những nơi có thể có sóng”. 

Về khả năng xảy ra sốt đất trong thời gian tới, mới đây, trao đổi với báo Đại đoàn kết, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội dự báo, sốt đất sẽ không xảy ra trong thời gian sắp tới, ít nhất là ngắn hạn. Các nhà đầu tư chưa tham gia ngay mà còn chờ thị trường tự điều chỉnh xuống ngưỡng hợp lý. Sốt đất đã nhiều lần xảy ra nhưng dường như “sức nặng” của những thông tin cảnh báo và những bài học nhãn tiền từ những nhà đầu tư “ôm bom” vẫn không thắng được sức hút của lợi nhuận. Do đó, nhà đầu tư khi muốn tham gia cần tìm hiểu kỹ.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam từng chia sẻ, khi so sánh với giá bất động sản trong giai đoạn vừa qua, nếu mức tăng giá chỉ vài phần trăm thì có thể coi là xu thế đang tăng. Nhưng nếu biên độ tăng quá lớn, lên đến vài chục phần trăm thì nhà đầu tư phải cân nhắc trước khi tham gia vì điều này trái với quy luật thị trường.

Theo Khánh Trang BĐS