SỐT ĐẤT CHỈ KHIẾN GIÁ BĐS TĂNG, KHÔNG GIÚP TĂNG GIAO DỊCH THỰC?
Giá BĐS tăng theo cơn sốt săn nhà đất
Làn sóng “săn” đất đầu năm ăn theo quy hoạch đã tạo ra nhiều cơn sốt đất cục bộ diễn ra trên cả nước. Những cơn sốt đất hình thành kéo theo giá BĐS nhảy múa liên tục tại nhiều địa phương từ Bắc chí Nam. Báo cáo Nghiên cứu thị trường quý 1/2021 của Batdongsan cho thấy, trong quý 1/2021 tốc độ tăng giá rao bán đất nền tại một số địa phương khá cao. Cụ thể, giá rao bán đất nền tại Ba Vì tăng 76%, Hòa Bình tăng 102%, Hưng Yên tăng 26%.
Tại Hà Nội, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã khiến giá đất Đông Anh từ mức trung bình 20-30 triệu đồng/m2 tăng lên 50-60 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền Tiên Hội, Đông Trù (Đông Hội, Đông Anh) cũng tăng giá từ 40-45 triệu đồng/m2 hồi giữa năm 2020 lên 55-70 triệu đồng/m2. Một số khu vực khác như Hòa Lạc, Ba Vì, Long Biên giá từ 25-30 triệu đồng/m2 hiện tăng lên 40-45 triệu đồng/m2. Không chỉ Hà Nội, một số tỉnh thành miền Trung cũng ghi nhận tốc độ tăng giá bán đất nền như Huế tăng 19%; Tam Kỳ, Quảng Nam tăng 30%...
Giá rao bán đất nền tại nhiều khu vực phía Bắc tăng mạnh theo cơn sốt đất đầu năm. Nguồn: Báo cáo Nghiên cứu thị trường quý 1/2021 của Batdongsan.com.vn
Ở thị trường TP.HCM, việc thành lập TP. Thủ Đức cũng làm giá rao bán đất khu vực này tăng 35% chỉ trong 3 tháng. Đề án chuyển đổi lên quận của 5 huyện vùng ven TP.HCM khiến giá chào bán nhà đất tại đây tăng trung bình 15-30%. Tại một số tỉnh thành phía Nam, thông tin về quy hoạch sân bay sân bay Long Thành, sân bay Tecnich Hớn Quản, phát triển cao tốc và chuyển đổi đô thị khiến giá đất nhanh chóng tăng theo cấp số nhân.
Số liệu từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chỉ ra, trong 3 tháng đầu năm giá đất ở nhiều nơi tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau một tháng, thậm chí một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Nhiều người bỏ bê công việc lao vào đầu tư đất, huy động các nguồn lực đổ tiền vào buôn đất.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, làn sóng săn mua BĐS đầu năm đang khiến giá đất nền có hiện tượng tăng nóng, cục bộ ở một số địa phương như vùng ven Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, một số nơi có hiện tượng giá đất nền tăng gấp đôi. "Nhiều người dân bỏ cả công việc, bỏ cả sản xuất kinh doanh để đi kinh doanh đất, tạo nên hiện tượng sốt đất cục bộ và những rủi ro, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương.
Giá tăng nhưng giao dịch thực không tăng
Những lời đồn thổi đang giúp tạo ra sức nóng rất lớn cho thị trường BĐS trong các tháng vừa qua. Tuy nhiên ngoài việc khiến giá đất tăng mạnh, giao dịch thực của thị trường lại không hề tăng nóng theo cơn sốt giá.
Báo cáo mới đây từ Bộ Xây dựng cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, lượng giao dịch bất động sản chỉ bằng 70% so với quý trước đó. Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, trong quý 1/2021, tình hình thị trường BĐS có nhiều biến động, xuất hiện tình trạng sốt đất cục bộ tại nhiều địa phương. Tuy nhiên thông qua giao dịch thực tế mà Bộ Xây dựng theo dõi, sức mua của thị trường chỉ bằng khoảng 70% các giao dịch ở quý 4/2020. Dù giao dịch không hề tăng trưởng, thậm chí giảm sút, giá bất động sản trên cả nước lại có xu hướng tăng, trong đó đất nền có biên độ tăng mạnh nhất, chung cư tăng giá từ 5-10%.
Sốt đất chỉ khiến giá BĐS tăng nhưng không tạo ra giao dịch thực tại các thị trường này. Ảnh minh họa
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ xây dựng cho biết, sốt đất khiến thị trường xuất hiện các giao dịch bất động sản không đủ các điều kiện pháp lý, nhiều dự án chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật đã bán hàng, có giao dịch bất động sản là mua bán đất rừng, đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đầu tư phát triển các dự án bất động sản. Đây là các giao dịch không đảm bảo yêu cầu pháp lý, tiềm ẩn các rủi ro cho người dân khi đầu tư vào bất động sản.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân dẫn tới cơn sốt đất ảo hiện nay đến từ việc nhiều địa phương triển khai lập quy hoạch tỉnh nhưng chưa công khai, minh bạch thông tin rõ ràng dẫn đến nhà đầu tư, kinh doanh BĐS lợi dụng thông tin để đẩy giá đất nền lên cao. Bên cạnh đó, do lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng thương mại thấp, không hấp dẫn người dân để gửi tiền, thị trường chứng khoán đạt đỉnh khiến dòng tiền nhàn rỗi trong dân chuyển qua mua bán bất động sản.
Ngoài ra, khan hiếm nguồn cung cũng là yếu tố khiến giá nhà đất tăng mạnh. Thủ tục pháp lý về đất đai, đầu tư, xây dựng còn khó khăn dẫn đến lượng dự án mới triển khai hạn chế, các dự án hiện hữu giữ thế độc quyền, cầu nhiều cung thiếu khiến giá nhà tăng. Bên cạnh đó, việc đầu tư, phát triển các dự án nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội cho đối tượng người nghèo đô thị, công nhân các khu công nghiệp chưa được địa phương quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo Phương Uyên BĐS