SỐ PHẬN HƠN 700 DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ ‘ÔM’ HƠN 5.000HA ĐẤT Ở HÀ NỘI
Tính đến 31/10/2023, có 330 dự án (chiếm 46,3%) được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai (đã đưa đất vào sử dụng; đã, đang tham mưu trình thu hồi, chấm dứt dự án;...).
350 dự án (chiếm 49,2%) đã có chỉ đạo xử lý, kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc nhà đầu tư đưa đất vào sử dụng.
32 dự án (chiếm 4,5%) còn phải tiếp tục thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật. Dự kiến hoàn thiện trong tháng 12/2023.
Dự án nhà ở sinh viên cụm trường tại khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) có tổng mức đầu tư là 1.900 tỷ đồng bằng vốn ngân sách. Dù được khởi công từ năm 2009, song hiện nay chỉ có 2 khối nhà đang hoạt động, 4 khối nhà khác bị bỏ hoang.
Cụ thể, trong 135 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất đã chấm dứt hoạt động đầu tư dự án, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch theo quy định 64 dự án.
Các dự án đã chấm dứt hoạt động có thể kể đến như: Dự án Bệnh viện đa khoa Quang Trung tại Khu đồng Đế Mơ, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai của Công ty CP bệnh viện đa khoa Quang Trung; Văn phòng làm việc và cho thuê tại số 6 Đào Duy Anh, phường Phương Liên, quận Đống Đa của Công ty TNHH Việt Anh; Trung tâm thương mại và nhà ở Vai Réo tại xã Phú Cát, huyện Quốc Oai của CTCP thương mại và Dịch vụ Lã Vọng…
Đối với 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, UBND TP xem xét quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động 50 dự án.
Trong đó, 32 dự án đã có quyết định thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất như: Khu đô thị mới Việt Á xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh của CTCP Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á; Khu đô thị mới Prime Group (Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh) của CTCP Prime Group; Tổ hợp công trình công cộng, chung cư cao tầng 162 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên; Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 1, Khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD); Dự án Xây dựng trụ sở, văn phòng kết hợp bãi đỗ xe tại khu đất đấu giá Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm)...
Đánh giá về việc xử lý hơn 700 dự án chậm tiến độ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, số lượng dự án lớn, trải qua nhiều giai đoạn quy định của pháp luật có nhiều thay đổi; quá trình triển khai dự án có nhiều diễn biến mức độ khác nhau.
Các thủ tục hành chính liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Đến nay, nhiều dự án được gia hạn đã khắc phục vi phạm, sử dụng đất đúng mục đích, chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đưa đất vào sử dụng, thực hiện dự án đầu tư; nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
Trong thời gian tới, TP sẽ giao UBND các quận, huyện thị xã lập, đề xuất phương án đấu giá, đấu thầu đối với 125 dự án đã thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định.
Đồng thời, giao các cơ quan quản lý tập trung giám sát đôn đốc 350 dự án đã có chỉ đạo xử lý, kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm khẩn trương triển khai dự án, sớm đưa đất vào sử dụng.
UBND TP nhấn mạnh, kiên quyết xử lý, lập hồ sơ chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi đất, chấm dứt dự án đối với các chủ đầu tư không khắc phục, chưa đưa đất vào sử dụng theo dự án đầu tư được duyệt hoặc các tổ chức, cá nhân vi phạm nhưng chây ì, không chấp hành các biện pháp xử lý của cơ quan có thẩm quyền, tiếp tục vi phạm.