PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH: PHẢI LẤY NGƯỜI DÂN LÀM TRUNG TÂM

26/10/2022 - Tin thị trường
Phát triển đô thị thông minh sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Bối cảnh chung

Cuộc cách mạng lần thứ 4 đã thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu và xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; Năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm.

Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; Thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp quốc. Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung...

Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mục tiêu tổng quát đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới… Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.

Theo đó, tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, năm 2030 đạt trên 50%. Đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh; tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%... Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Quan điểm và nguyên tắc

Phát triển đô thị thông minh phải phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội… Đồng thời là một nội dung quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sử dụng phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và những phương tiện khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và nguồn lực phát triển, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở đó, để hiện thực hóa được nội dung trên phải lấy người dân làm trung tâm, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững, dựa trên thành tựu khoa học công nghệ với nhiều nền tảng, đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, đảm bảo sự đồng bộ giữa các giải pháp công nghệ, phi công nghệ.

Trong quá trình triển khai thực hiện cần phải đảm bảo tính thống nhất, tối ưu hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng ICT hiện có dựa trên khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo khả năng tương tác, hoạt động đồng bộ của đô thị thông minh cũng như giữa những đô thị thông minh; sử dụng chỉ số chính đánh giá về hiệu quả hoạt động (KPI) cho đô thị thông minh.

Ngoài ra, muốn tổ chức thực hiện phát triển đô thị thông minh bền vững cần khuyến khích sự tham gia đầu tư từ nguồn xã hội hóa trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí và rủi ro, hài hòa lợi ích của các bên liên quan, khuyến khích sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong nước. Tổ chức thực hiện thí điểm điển hình, đảm bảo hiệu quả đầu tư ngắn và dài hạn, không phát triển tự phát, tràn lan, theo phong trào.

Giải pháp cụ thể

Nhiệm vụ và giải pháp quan trọng nhất hiện nay là hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị bền vững; Sớm xây khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, không gian ngầm đô thị; Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung...

Xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị; ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ, nền tảng số trong quy hoạch, quản lý phát triển đô thị; Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững, đồng bộ về mạng lưới thông qua việc triển khai hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết, nâng cấp đô thị; Xây dựng, phát triển các đô thị thông minh; Xây dựng nông thôn mới phù hợp với định hướng đô thị hoá.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng số đồng bộ tại các đô thị tương đương với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; tích hợp hệ thống đo lường, cảm biến, hệ thống dữ liệu, khai thác hiệu quả nền tảng và ứng dụng công nghệ số vào hạ tầng thiết yếu tại đô thị; thúc đẩy mô hình quản lý thông minh trong vận hành, quản lý, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn, trật tự đô thị; Xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh; Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính, đầu tư phát triển đô thị. Phát triển kinh tế dịch vụ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao... tại đô thị đặc biệt và đô thị lớn...

Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị nhằm nâng cao hiệu của công tác quản lý.
Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị nhằm nâng cao hiệu của công tác quản lý.

Định hướng triển khai

Quy hoạch đô thị thông minh phải được lập, thẩm định trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị được số hóa; hỗ trợ bởi các công cụ phân tích dữ liệu đa chỉ tiêu, công cụ dự báo, phần mềm hỗ trợ ra quyết định quy hoạch. Những nội dung quy hoạch, kế hoạch khác nhau được kết nối liên thông đồng bộ trong khi lập cũng như khi thực hiện quy hoạch.

Các quy định, quyết định điều hành quản trị đô thị tổng thể và từng ngành của cơ quan quản lý đô thị có hiệu lực, hiệu quả cao trên nền tảng thông tin đô thị sát thực hơn, cập nhật hơn và được liên thông đa ngành, hỗ trợ bởi công cụ phân tích dữ liệu, dự báo, phần mềm hỗ trợ ra quyết định quản lý. Ý kiến phản hồi, tham gia đối với công tác quy hoạch, quản lý đô thị có thể phản ánh bằng nhiều hình thức, được lưu trữ, tổng hợp theo quá trình.

Hạ tầng kỹ thuật đô thị phải được quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành thông minh, kết nối với mạng quản trị đô thị, dịch vụ, tiện ích thông minh. Các tiện ích cho tổ chức, cá nhân và người dân do chính quyền cung cấp, được thực hiện một phần hoặc toàn bộ qua môi trường mạng.

Cơ sở dữ liệu đô thị đa chỉ tiêu được lập, thu thập, duy trì, cập nhật, quản lý đồng bộ, thống nhất theo Khung kiến trúc ICT. Đầu tư hạ tầng dữ liệu số đồng bộ, kết nối với hạ tầng kỹ thuật và công trình khác trong đô thị. Xây dựng đô thị thông minh trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý GIS.

Quan điểm nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số thì người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Đồng thời, phải diễn ra một cách tự nhiên, khai mở giá trị mới, mang lại lợi ích rõ ràng cho xã hội. Nền tảng số được tích hợp sẵn các chức năng về bảo đảm an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế, xây dựng.

Xác định danh sách các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp trong một số lĩnh vực như: thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, tài nguyên và môi trường, học trực tuyến, nội dung số, dịch vụ kế toán, tài chính doanh nghiệp, đô thị, ngân hàng số và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư phát triển các hệ thống này.

Minh Tâm

(Theo Kinh tế & Đô thị)