NHIỀU MÔI GIỚI BĐS CHUYỂN NGHỀ KHI THỊ TRƯỜNG GẶP KHÓ

09/11/2022 - Tin thị trường
Hà Nội - Thực trạng khó khăn của thị trường bất động sản vẫn tiếp diễn và dự đoán sẽ kéo dài sang năm sau khiến những người làm nghề môi giới bất động sản đang phải trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn. Làn sóng môi giới nghỉ việc, chuyển nghề đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Chỉ trong vòng khoảng nửa năm đổ lại đây, khi Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng và nhiều ông lớn bất động sản bị bắt do sai phạm, thị trường bất động sản rơi vào tình cảnh ảm đạm, đóng băng. Phần lớn các môi giới nói riêng và các sàn bất động sản nói chung đều đang phải đối mặt với thực tế nhiều tháng liền không có giao dịch hoặc lượng giao dịch phát sinh quá ít không bù đắp được chi phí vận hành doanh nghiệp. Một khảo sát của Nhamoigroup ghi nhận khá nhiều sàn giao dịch bất động sản nhỏ lẻ đã phải giải thể, những sàn quy mô cỡ trung và lớn trên thị trường buộc phải cắt giảm nhân sự.

Khá nhiều sàn giao dịch bất động sản nhỏ lẻ đã phải giải thể, những sàn quy mô cỡ trung
và lớn trên thị trường buộc phải cắt giảm nhân sự.

Anh Lại Quốc Khánh, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Đông cho biết, sàn của anh đã phải cắt giảm 40% nhân sự từ tháng 7 đến nay. Trong số 60% nhân sự được giữ lại thì đến cuối tháng 10, quân số tiếp tục rơi rụng khi gần 1/3 trong số đó đã nộp đơn xin nghỉ. “Nguyên nhân là thị trường quá kém, giao dịch quá chậm khiến nhiều môi giới không có chi phí để duy trì công việc và cuộc sống, buộc phải tìm hướng mưu sinh khác”, anh Khánh nhấn mạnh.

Trong khi đó, anh Nguyễn Ngọc Tiến, giám đốc kinh doanh một sàn bất động sản tại Cầu Giấy cho biết dù thị trường khó khăn nhưng Quảng Ninh – nơi sàn anh đặt chi nhánh có một vài dự án mới chính thức chào bán trong quý 4/2022 nên việc tuyển dụng vẫn được đẩy mạnh. Thế nhưng việc tuyển môi giới đang gặp rất nhiều khó khăn dù đã tăng lương cứng. “Nhân sự có kinh nghiệm thì bỏ nghề, những ứng viên chưa có kinh nghiệm được bộ phận nhân sự tìm kiếm CV trên các trang tuyển dụng mời gọi đến ứng tuyển phỏng vấn thì phần lớn đều từ chối. Tất cả đều không muốn gia nhập thị trường bất động sản trong giai đoạn này”, anh Tiến chia sẻ.

Nếu như các cấp quản lý “đau đầu” vì làn sóng nghỉ việc của nhân sự thì ở cấp nhân viên, nhiều môi giới đang chật vật tìm cách mưu sinh. Chị Lưu Mai Lan, nhân viên kinh doanh một sàn giao dịch có trụ sở tại Thanh Xuân cho biết 4 tháng nay, chị và các thành viên trong nhóm vẫn có giao dịch nhưng số lượng giao dịch ít đến mức không bù nổi các chi phí cả nhóm bỏ ra. Do đó, để duy trì cuộc sống và tiếp tục gắn với nghề, các thành viên trong nhóm bán thêm hàng online là các mặt hàng thực phẩm rau, gà, lợn nhập từ quê. “Thị trường phân phối” là hội cư dân ở các dự án mà nhóm từng bán hàng.

Cũng theo chị Lan, trong khi nhóm chị vẫn cố gắng “bám trụ” với nghề thì nhiều đội nhóm khác trong sàn đã tan rã, nhiều môi giới đã chuyển sang làm việc khác để kiếm sống. “Đồng nghiệp bỏ việc nhiều quá khiến tâm lý chúng tôi cũng dao động, hoang mang nhưng 5 thành viên trong nhóm đều động viên nhau phải cố gắng vượt qua giai đoạn này vì chắc chắn thị trường sẽ sớm “hồi” lại”, chị Lan cho biết.

Thị trường trầm lắng là giai đoạn thanh lọc nhân sự nghề môi giới bất động sản.

Nhìn nhận về thực trạng khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết không khó hiểu khi thị trường trầm lắng, lượng môi giới nghỉ việc, bỏ nghề tăng cao. Bất động sản là mặt hàng đặc thù, giá trị cao, chịu nhiều tác động của các vấn đề chính sách, vĩ mô kinh tế nên không dễ bán, đặc biệt khi thị trường suy giảm. Giai đoạn thị trường sôi động, việc kiếm tiền có phần dễ dàng đã chứng kiến sự bùng nổ nhân sự của nghề này, nhân sự của rất nhiều ngành nghề khác cũng tham gia làm môi giới.

Đáng nói, sự bùng nổ nhân sự lại đi cùng với quy trình tuyển dụng số lượng lớn, mang tính ồ ạt, dễ dãi ở một số đơn vị, dẫn đến hiện tượng bát nháo, không lành mạnh trong nghề. Số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy cả nước hiện có khoảng 300.000 môi giới bất động sản đang hoạt động nhưng chỉ có khoảng 10% môi giới có chứng chỉ hành nghề. Chính bởi vậy, thị trường trầm lắng là giai đoạn để ngành môi giới bất động sản thanh lọc nhân sự, các đơn vị tuyển dụng có những kế hoạch dài hơi, bài bản hơn trong công tác tuyển dụng, đào tạo người.