LOẠI BỎ NHÀ THẤP TẦNG Ở HÀ NỘI, Ý TƯỞNG HAY NHƯNG THIẾU VỐN VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ

03/10/2023 - Tin thị trường
Góp ý về định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều chuyên gia cho rằng, cần loại bỏ các căn nhà thấp tầng và chú trọng xây dựng nhà cao tầng hiện đại để đảm bảo chất lượng, an toàn cho các công trình. Đề xuất này đang gây ra làn sóng tranh cãi trong dư luận những ngày qua.
Loại bỏ nhà thấp tầng ở Hà Nội, ý tưởng hay nhưng thiếu vốn và cơ sở pháp lý
Khu vực nội đô Hà Nội đang tập trung phần lớn là các công trình thấp tầng. Ảnh: Hải Nguyễn

Cần kế hoạch bài bản

Trao đổi với PV Lao Động, bà Lê Thị Hoa (sinh sống gần 20 năm trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, việc xây dựng chung cư cao tầng đan xen với nhà riêng lẻ trong nội đô những năm qua, đang khiến mật độ dân cư khu vực này tăng lên chóng mặt.

"Trước đề xuất loại bỏ nhà thấp tầng để xây cao tầng theo định hướng Quy hoạch Thủ đô, người dân chúng tôi cho rằng, các chuyên gia, nhà quản lý nên khảo sát kỹ hiện trạng, cần lựa chọn khu vực nào cần loại bỏ, khu vực nào cần xây nhà cao lên để giảm mật độ xây dựng. Phải có kế hoạch bài bản thuyết phục, nhằm tránh gây hoang mang cho người dân" - bà Hoa nói.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Cường (sinh sống ở tòa chung cư trên phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) thông tin, mật độ xây dựng nhà cao tầng, nhà chung cư dày đặc đã khiến tuyến phố những năm qua thường xuyên ùn tắc giao thông, thiếu thốn không gian vui chơi công cộng.

Do đó, quy hoạch Thủ đô cần phải kiểm soát chặt chẽ các công trình xây dựng riêng lẻ nhằm tạo không gian xanh, tiện ích công cộng, giảm áp lực lên hạ tầng giao thông.

Bà Phạm Thị Dung ở Hào Nam, quận Đống Đa cho biết, tính khả thi của đề xuất này vô cùng thấp. “Cứ nhìn thực tiễn của Hà Nội là thấy rõ việc này có thực hiện được hay không. Hà Nội có hàng triệu dân ở các nhà riêng lẻ trong khu vực quận nội thành. Vậy làm cách nào để loại bỏ hàng vạn ngôi nhà của họ?” - bà Dung đặt vấn đề.

Theo bà Phạm Thị Dung, hiện hàng trăm tòa nhà tập thể cũ đã xuống cấp, thậm chí ở mức nguy hiểm nhưng Hà Nội không dễ cải tạo.

"Ý tưởng trên có vẻ hay nhưng không khả thi với Hà Nội. Bởi những năm qua, chỉ có chuyển vài cơ quan, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô đã khó chứ chưa nói là hàng triệu người dân ở nhà riêng lẻ" - bà Dung bày tỏ.

Loại bỏ dần nhà thấp tầng trong vùng lõi Thủ đô

Góp ý tại hội thảo định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cuối tuần qua, GS-TS Lê Quân (Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) phân tích, những năm qua ở Thủ đô đang tồn tại hai hình thái phát triển đô thị là nhà thấp tầng ở khu vực nội đô và hỗn hợp cao tầng, thấp tầng tại khu vực nội đô mở rộng.

Theo chuyên gia, hai hình thái này đang phát triển đan xen, đáp ứng phần lớn nhu cầu nhà ở của người dân nhưng cũng tạo thách thức với hạ tầng đô thị khi mật độ dân số tăng cao.

Nhiều chuyên gia cho hay, để kiểm soát công trình xây dựng riêng lẻ, Hà Nội cần điều chỉnh chức năng sử dụng đất theo quy hoạch nhằm tái cấu trúc, tái khai thác giá trị, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo hướng mở rộng dự án khu đô thị hiện đại.

Ngoài ra, để người dân có thu nhập thấp có thể nâng cấp nhà ở, TP Hà Nội cần có chiến lược nhà ở đặc thù khi quy hoạch.

Theo Nhà mới Land, chủ trương loại bỏ nhà thấp tầng để xây cao tầng trong nội đô nhằm tạo điều kiện để Hà Nội quy hoạch lại hạ tầng, xã hội tốt hơn. Từ đó, dành được nhiều diện tích, không gian xanh hơn cho các công trình xã hội, công cộng.

"Trong nội đô Hà Nội nên hạn chế xây dựng các công trình nhà tự do, nhà riêng lẻ, lấy diện tích này để mở rộng không gian xanh, đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật được tốt hơn. Từ đó, có thể nâng chiều cao công trình nhà ở để giảm mật độ xây dựng, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật"