DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN 'TREO CẨU' NGÀY CÀNG NHIỀU

02/06/2023 - Tin thị trường
Theo thống kê, hiện cả nước có hàng trăm dự án đình trệ chờ giải cứu. Những dự án đang xây dựng phải "treo cẩu" cũng ngày càng nhiều.

Bỗng dưng "trùm mền"

Dự án Kenton Node (H.Nhà Bè, TP.HCM) sau nhiều năm ách tắc khi đã xây dựng xong phần thô hàng ngàn căn hộ và nhà phố do Công ty Tài Nguyên làm chủ đầu tư đã được Tập đoàn Novaland cam kết mua lại. Đầu năm 2022, Tập đoàn Novaland chính thức triển khai thi công trở lại. Những hàng rào với hình ảnh công trình hoành tráng với tên mới Grand Sentosa cùng các chương trình bán hàng cũng được khởi động khiến khu vực này sôi động hẳn lên. 

Thế nhưng thị trường bất động sản (BĐS) đột ngột lao dốc, bản thân Tập đoàn Novaland cũng lâm vào cảnh khó khăn, cắt giảm phần lớn nhân sự nên đương nhiên dự án Kenton Node cũng "treo cẩu" đến nay. Đi qua khu vực này, cảnh hoang tàn, đổ nát lại tái hiện và chưa biết đến bao giờ dự án mới có cơ hội "tái sinh". Không chỉ Kenton Node, mà hàng loạt dự án do Tập đoàn Novaland đang triển khai ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận… cũng phải tạm dừng xây dựng, một phần do thủ tục hành chính và một phần do không bán được hàng, không còn tiền.

Dự án bất động sản 'treo cẩu' ngày càng nhiều - Ảnh 1.

Dự án Kenton Node chưa kịp hồi sinh đã tiếp tục bị “trùm mền”

ĐÌNH SƠN

Lãnh đạo Công ty Tài Nguyên cho biết tại thời điểm đầu năm 2022, Tập đoàn Novaland cam kết mua lại dự án và đã đặt cọc mấy trăm tỉ đồng. Những đợt thanh toán sau dự kiến ngân hàng sẽ tài trợ. Thế nhưng thương vụ gãy gánh giữa đường vì thị trường đóng băng và bản thân Tập đoàn Novaland cũng đang đuối sức. Chính vì vậy, bản thân ông cũng chưa biết dự án sẽ "đi đâu về đâu" sau hàng chục năm "trùm mền".

Cách đó không xa, dự án của Công ty Phúc Long rộng hàng chục héc ta, sau một thời gian dài bán hàng, thi công rầm rộ thì nay cũng gần như đã rút đi hết vì chủ đầu tư hết tiền, dự án bán không ai mua. Theo một lãnh đạo của công ty này, mấy tháng qua không bán được một sản phẩm nào, nguồn thu không có, ngân hàng không cho vay trong khi các khoản phải chi vẫn "đều như vắt chanh". Để cắt giảm chi phí, công ty đành phải dừng hoặc giãn tiến độ thi công các dự án. "Bởi có làm bán cũng không ai mua và càng làm càng lỗ, càng không có tiền để duy trì bộ máy", vị này mệt mỏi nói.

Minh Tâm