ĐỊA PHƯƠNG "RA TAY", HẾT THỜI BÁN ĐẤT TRONG "MỘT NỐT NHẠC"
Các địa phương công khai quy hoạch
Theo giới quan sát, kết quả trên có được là nhờ chỉ đạo quyết liệt từ phía Chính phủ, các bộ ngành, địa phương. Trong đó, việc công bố công khai quy hoạch đất đai và tình trạng pháp lý của các dự án được đánh giá là giải pháp quan trọng nhất.
Vân Đồn - Quảng Ninh là điểm nóng đầu tư bất động thời gian qua. Để chặn cơn sốt đất ảo, địa phương hiện vẫn phải áp dụng một số quy định chặt chẽ như: không cho phép chia tách đất thành các thửa nhỏ, chưa được chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp thành đất ở.
Vân Đồn cũng nghiêm cấm cán bộ, công chức tham gia các hoạt động môi giới bất động sản, tiếp tay cho việc đầu cơ, buôn bán đất đai. Quan trọng nhất, các quy hoạch cụ thể của địa phương đều đã được công bố công khai.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị công bố công khai quy hoạch 1/2000, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết để điều chỉnh các dự án nằm trong quy hoạch và sớm phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đã được phê duyệt", ông Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, cho biết.
Trong đợt sốt đất lần này, cơn sốt chỉ diễn ra ở phân khúc đất nền và các dự án chưa đầy đủ tính pháp lý. (Ảnh: PLO)
Tại Hà Nội, các thông tin về quy hoạch cũng được giới đầu cơ, cò đất đặc biệt lợi dụng để "tung hỏa mù", ví dụ như tung tin Đông Anh, Hoài Đức sắp lên quận, hoặc tung tin quy hoạch ven sông Hồng sắp được triển khai, đã khiến nhiều khu vực giá đất tăng chóng mặt. Một số nơi lên tới 50% chỉ trong vài tháng, nhộn nhịp làng trên xóm dưới.
Mới đây, TP Hà Nội và một loạt các địa phương khác như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa đã yêu cầu các sở ngành công khai quy hoạch. Cụ thể, các thông tin như: kế hoạch lên quận của các huyện như thế nào, sẽ có dự án lớn nào được đặt trên địa bàn?
"Đặc điểm của các cơn sốt đất ảo là đều ăn theo các thông tin chưa rõ ràng về những đề xuất xây dựng các dự án hạ tầng quan trọng như đường cao tốc, khu đô thị, khu công nghiệp. Việc thiếu thông tin chính thống về quy hoạch của các địa phương là một trong các nguyên nhân chính gây ra tình trạng sốt đất. Minh bạch các thông tin về quy hoạch là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp hạ sốt", ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, nhận định.
"Trong thời gian tới, đề nghị các địa phương tập trung hoàn thiện và phê duyệt các đồ án quy hoạch, tiếp tục công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá, trục lợi", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
Giới đầu cơ, thổi giá đất luôn dựa vào những thông tin quy hoạch chưa rõ ràng để lôi kéo, dẫn dắt khách mua. Nếu các thông tin chưa được công khai, hoặc khó khăn trong tiếp cận nguồn tin chính thống, người dân sẽ dễ tin theo và bỏ tiền đầu tư. Bởi vậy, động thái công khai quy hoạch từ phía các cơ quan chức năng đã giúp thị trường có thông tin minh bạch, chặn đứng chiêu trò tạo tin giả của giới đầu cơ.
Một đặc điểm kỳ lạ dễ nhận thấy trong đợt sốt đất lần này là ở chỗ cơn sốt chỉ diễn ra ở phân khúc đất nền và các dự án chưa đầy đủ tính pháp lý, tức là dự án càng mập mờ về tính pháp lý, lại càng dễ bị làm giá. Điều này gây rất nhiều rủi ro cho người mua. Bởi lẽ, vì một lý do nào đó, nếu dự án không được triển khai tiếp, người mua sẽ khó đòi lại tiền góp vốn. Vì vậy, bên cạnh việc công khai quy hoạch, các địa phương cũng đã siết, kiểm soát chặt chẽ dự án đủ điều kiện bán.
Kiểm soát tính pháp lý của các dự án chào bán trên thị trường
Tại Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, dù khu Tây của dự án TNR Grand Palace River Park chưa xong hạ tầng, chưa đủ điều kiện mở bán, nhưng các môi giới đã tập trung chào bán.
"Đã mở bán đâu, nhưng ra hàng một cái là hết luôn. Tất cả đều chưa xong hạ tầng, mới chỉ ra hàng thôi, mở bán phải sang năm. Nguyên một block này bên em bán hết trong vòng 1 nốt nhạc. Trong vòng mấy tiếng đồng hồ là khách được ăn chênh 300 - 400 triệu rồi", một nhân viên môi giới cho biết.
Thu được lãi vài trăm triệu chỉ trong vài giờ đồng hồ - lời quảng cáo hấp dẫn đã khiến không ít người tin theo.
Vai trò ngăn chặn sốt đất của các địa phương trong dịp vừa qua đã phát huy hiệu quả tích cực. (Ảnh minh họa: PLO)
Trước tình trạng các dự án rao bán khi chưa đủ tính pháp lý, một số địa phương đã công khai thông tin về tình trạng pháp lý của các dự án, đồng thời tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận thông tin.
"Trước khi mua bán, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân nên xem vào web của Sở Xây dựng để xem dự án mà chúng tôi đã đăng, tiến độ triển khai, dự án đủ điều kiện hay chưa. Ngoài ra, chúng tôi thiết lập đường dây nóng để giải đáp thắc mắc của người dân", ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang, chia sẻ.
Các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, xử phạt các sàn giao dịch, hoặc chủ đầu tư bán hàng khi chưa đủ điều kiện. Theo các doanh nghiệp, đây là động thái cần thiết để thanh lọc và tạo sự công bằng trên thị trường.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, do vướng thủ tục pháp lý, nguồn cung dự án mới trên thị trường không nhiều. Một số chủ đầu tư đã bất chấp bán hàng khi chưa đủ điều kiện. Điều này sẽ gây rủi ro cho người mua. Vì vậy, vai trò kiểm soát của các địa phương là rất quan trọng.
Trên thực tế, trong các đợt sốt đất, nhiều khách hàng đã mua phải các dự án chưa đủ điều kiện pháp lý. Đến nay, nhiều nhóm khách hàng vẫn phải "lặn lội" đi đòi tiền chủ đầu tư.
Theo đánh giá của một số chuyên gia bất động sản, vai trò ngăn chặn sốt đất của các địa phương trong dịp vừa qua đã phát huy hiệu quả tích cực, khi nhiều nơi, cơn sốt đất đã "xẹp" xuống.
Với kinh nghiệm lần này, nhiều nhà đầu tư trên thị trường kỳ vọng sẽ tạo nên một tiền lệ công khai, minh bạch thông tin từ phía các cơ quan quản lý, tránh cảnh người dân mù mờ tìm kiếm hoặc khó tiếp cận thông tin chính thống. Trong khi các môi giới lại lợi dụng tình trạng này để thao túng giá trên thị trường.
Theo VTV