ĐẤT TĂNG PHI MÃ, NHÀ ĐẦU TƯ BỎ PHỐ VỀ QUÊ SĂN ĐẤT

20/05/2021 - Tin thị trường
Dù hơn năm qua, thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng giá đất vẫn liên tục tăng. Cơn sốt đầu năm tiếp tục đẩy giá đất lên một mặt bằng mới, buộc những nhà đầu tư vốn nhỏ phải bỏ phố về quê "săn đất”.

Không thể phủ nhận, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong suốt hơn năm qua là một trong những chất xúc tác cho cơn sốt đất nền thời điểm đầu năm. Dù ở thời điểm hiện tại, sóng đất đã lặng nhưng mặt bằng giá vẫn rất cao, đặc biệt là tại khu vực ven Hà Nội. Đơn cử, theo khảo sát của Batdongsan, đất tại các vùng ven Hà Nội như Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, giá chào bán đắt ngang ngửa các khu vực phát triển thuộc các quận nội thành thủ đô với mức giá lên tới 70-90 triệu đồng/m2. Ngay trong các ngõ ngách nhỏ, giá đất thuộc các huyện này cũng bị chào lên tới 20-30 triệu đồng/m2. Ở Đông Anh, đất mặt tiền Tiên Hội, Đông Trù (Đông Hội, Đông Anh) giá rao bán là 55-70 triệu đồng/m2. Đất Vân Canh,  gần đường vành đai 3,5 giá cũng chạm mức 70-90 triệu đồng/m2. Đất mặt đường khu vực thị trấn Văn Điển, Ngọc Hồi (Thanh Trì) cũng vọt lên mức 97-110 triệu đồng/m2. Trước thực trạng giá đất nhảy múa và thiết lập mặt bằng giá cao, những nhà đầu tư vốn mỏng đã buộc phải “bỏ phố về quê” săn đất.

20210517175536-dfdf.jpg

Giá đất ở các thành phố quá cao, nhà đầu tư buộc phải "bỏ phố về quê" săn đất. Ảnh minh họa

Khác với khu vực ven thành phố - nơi giá đất liên tục nhảy múa với các thông tin quy hoạch, siêu dự án, đất tại nhiều vùng quê lại khá bình lặng và mặt bằng giá vẫn còn thấp. Người mua chỉ cần số vốn nhỏ vài trăm triệu là có thể sở hữu một mảnh đất dưới quê.

Sau nhiều năm đi làm, chị Phạm Hà Thu (29 tuổi), nhân viên văn phòng Hà Nội tích lũy được 400 triệu đồng. Khi có số vốn, chị tính đến việc đầu tư bất động sản để gia tăng giá trị tài sản. Sau một thời gian tìm hiểu thị trường Hà Nội, chị Thu nhận ra với tích lũy hiện tại, chị không có cơ hội mua đất Hà Nội, kể cả là đất ở các vùng ven. Chị Thu quyết định về quê ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đầu tư đất do giá còn rẻ. Cách đây không lâu, chị mới mua một mảnh đất 150m2 gần trường cấp 3 xã với giá 450 triệu đồng. Mở rộng tìm hiểu, chị Thu nhận ra đất ở các xã khác trong huyện như: Kỳ Bắc, Kỳ Tây, Kỳ Thọ, Kỳ Châu, Kỳ Phong, Kỳ Tiến, Kỳ Trung, Kỳ Văn, Kỳ Xuân, Lâm Hợp… mức giá đều còn rất mềm. Chỉ với 1,5-3 triệu đồng/m2, nhà đầu tư có thể sở hữu được đất pháp lý, có quy hoạch rõ ràng. Không chỉ các xã ở Kỳ Anh mà đất tại các vùng nông thôn khác ở Hà Tĩnh như Thạch Hà, Nghi Xuân, Can Lộc… mức giá cũng còn rất rẻ.

Tương tự chị Thu, trong cơn nóng sốt của nhà đất vừa qua, vợ chồng anh Văn Chinh (32 tuổi), hiện đang công tác tại Hà Nội cũng sốt ruột khi thấy xung quanh mọi người đổ xô đi mua đất. Sau khi được môi giới dẫn đi xem đất thuộc các vùng ven Hà Nội, anh nhận thấy giá đất quá cao, vượt tài chính của hai vợ chồng. Thời điểm đó, em trai anh dưới quê cũng mua đất đầu tư với tài chính chỉ hơn 600 triệu đồng nên vợ chồng anh quyết định về quê Thái Bình mua đất. Theo anh Chinh, đất pháp lý rõ ràng, đường bê tông to, ô tô vào tận cửa ở quê anh – một xã thuộc huyện Kiến Xương (Thái Bình) chỉ dao động từ 4-6 triệu đồng/m2. Với tài chính 800 triệu đồng, vợ chồng anh vay thêm người thân 50 triệu, mua hai lô đất liền nhau ở quê.

Nhìn nhận về xu hướng đầu tư này, anh Phùng Hiên, một môi giới bất động sản tại Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, xu hướng người dân ở thành phố lớn như Hà Nội – nơi giá đất đã cao đổ về quê mua đất đầu tư là một thực tế đã và đang xảy ra thời gian qua. Theo anh Hiên, đây là một nước đi khôn ngoan trong bối cảnh đất Hà Nội đã bị đẩy giá quá cao và đến hiện tại, khi cơn sốt qua đi, giá đất vẫn chưa trở về giá trị thực. Trong khi đó, đất tại nhiều vùng quê mặt bằng giá ổn định và tiềm năng trong dài hạn đang hiện hữu. “Đầu tư đất quê ở những vùng chưa bị ảo giá cần cuộc đi dài hơi của người đầu tư bởi thị trường sẽ tăng chậm do không bị làm sóng. Hướng đi này phù hợp với dòng tiền nhàn rỗi và ưa thích sự an toàn”, anh Hiên cho biết.

Theo Duy Bách BĐS