ĐẤT SƠN MỸ LẠI 'SỐT' GIÁ

03/06/2021 - Tin thị trường
Đầu tháng 5/2021 trở lại đây, đất đai ở xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân sôi động trở lại sau một thời gian dài trầm lắng. Nhiều khu vực đất ở nông thôn yên ắng trước đây, giá được đẩy lên rất cao. Hầu như ngày nào cũng có “cò đất” lượn xe máy nhiều lần, có khi xe hơi vào các đường khu dân cư tìm mua đất…

1 m ngang đường đất cát giá trên 100 triệu đồng

Chị Đ. nhà ở đường đất cát cuối thôn 4, Sơn Mỹ cho hay, cách đây 2 tuần, thông qua “cò đất” ở địa phương giới thiệu, chị đã thỏa thuận sang nhượng một lô đất nằm trên đoạn đường này, có mặt tiền bề ngang 30 m, chiều dài 46 m, với giá 3 tỷ đồng, cho nữ khách hàng ở TP HCM ra mua. 

Tính ra 1 m ngang đường đất cát này giá 100 triệu đồng! Người mua đã đặt cọc trước 300 triệu đồng, viết giấy tay thỏa thuận mua bán giữa hai bên; hẹn 1 tháng sau đưa đủ số tiền còn lại. Nếu bên mua không giữ đúng cam kết ban đầu thì mất tiền đặt cọc; còn trong 1 tháng đầu tiên, bên bán bẻ cọc phải bồi thường tiền cọc gấp đôi cho người mua… 

Cũng ở thôn 4 cách không xa nhà chị Đ, trước đó anh T. đã sang nhượng hơn 60 m bề ngang mặt tiền đường bê tông xi măng nông thôn, giá 75 triệu đồng/m, được 4,5 tỷ đồng, nay giá lên 100 triệu đồng/m. Anh T. cũng tự thỏa thuận làm giấy tờ sang nhượng công chứng bên ngoài. Phần lớn đất khu dân cư ở các trục đường bê tông xi măng, đất đỏ, đất cát, đường liên thôn giá tăng từ 20 - 50 triệu đồng/m ngang mặt tiền so với trước đó vài tháng.

Tuy nhiên chỉ một số ít hộ có nhu cầu đầu tư cho gia đình mới thỏa thuận sang nhượng đất như 2 trường hợp trên; còn hầu hết người dân  địa phương vẫn giữ đất khu dân cư, ổn định cuộc sống, mặc dù giá đất biến động cao so trước đó vài tháng… 

Một số người dân am hiểu ở địa phương cho hay, giá đất nhiều khu vực ở Sơn Mỹ được cò đẩy lên cao trong thời gian gần đây. Nhưng khi thỏa thuận mua được, người mua  hoặc “cò đất” không trả hết tiền một lần, chỉ đặt cọc vài trăm triệu đồng; rồi tìm cách sang nhượng lại người khác, kiếm tiền chênh lệch. Thậm chí một thửa đất qua 2 - 3 người mua, mới chồng đủ tiền cho người chủ bán đầu tiên.

6.png

Đường liên thôn (2 và 4) Sơn Mỹ được "cò đất" tìm mua giá cao.

Hiện tượng thao túng đất đai?

Ông Thái Công Ngữ, Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ cho biết: “Thời gian gần đây, nhiều khu vực đất ở địa phương lại “sốt” giá. Có hiện tượng một số công ty các tỉnh, thành Đông Nam bộ thao túng đất đai tại địa phương. Các doanh nghiệp cho một số người ra môi giới với “cò đất” ở đây tìm cách sang nhượng các loại đất, chủ yếu khu vực dân cư gần khu quy hoạch. 

Sau khi sang nhượng được một số diện tích lại đột ngột ngưng giao dịch, tìm cách bán lại để kiếm lời. Hiện tượng này gây khó khăn cho quản lý đất đai ở địa phương. Xã không giải quyết sang nhượng đất nằm trong khu vực quy hoạch như Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, 2; đồng thời tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân ổn định đất đai sinh sống, sản xuất, không chạy theo “sốt” giá mà “cò đất” mời chào, gây mất trật tự ở địa phương”.

Trước đây, hầu hết diện tích mặt biển xã Sơn Mỹ nằm trong quy hoạch Khu công nghiệp (1, 2); năm ngoái UBND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Becamex VSIP Bình Thuận quy mô gần 5.000 ha, quy hoạch hầu hết diện tích đất sản xuất còn lại phía rừng Sơn Mỹ vào đây. 

Huyện Hàm Tân có kế hoạch mở tuyến đường ven biển nối từ Sơn Mỹ lên Thắng Hải; các dự án quy hoạch trên đã được một số công ty bất động sản, “cò đất” trong, ngoài tỉnh nắm bắt kỹ càng, thao túng làm giá đất, mua đi bán lại cho nhiều người kiếm lời, gây khó khăn cho công tác đền bù sau này…

Chính quyền xã Sơn Mỹ cần tập trung công tác quản lý đất đai chặt chẽ trước chủ trương phần lớn diện tích của xã nằm trong các khu quy hoạch phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân, thuận tiện trong đền bù giải tỏa khi các khu quy hoạch được triển khai về sau. Cùng đó, Sở Tài nguyên & Môi trường, huyện Hàm Tân cũng cần hỗ trợ xã trong công tác này để ổn định thị trường đất đai.

Theo vietnammoi