"CÒ" LÙNG SỤC TẠO SỐT ẢO, GIÁ ĐẤT NÔNG NGHIỆP BÌNH DƯƠNG NHẢY VỌT
Từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, giá đất tại một số khu vực của tỉnh Bình Dương như Bàu Bàng, Bến Cát, Tân Uyên tăng cao, nhiều cơn sốt đất đã xảy ra. Giới đầu cơ và "cò đất" liên tục lập từng nhóm tạo ra các chiêu thức để đẩy giá đất lên cao.
Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, tại khu vực Mỹ Phước 4 của thị xã Bến Cát và Lai Uyên, Trừ Văn Thố của huyện Bàu Bàng giá đất liên tục tăng.
Giá đất nông nghiệp "nhảy múa"
Nơi đây thường xuyên xuất hiện nhiều nhóm "cò đất" từ các nơi khác kéo đến. Những người này thực hiện các giao dịch mua bán, chủ yếu bằng hình thức đặt cọc rồi sau đó chuyển nhượng cho người khác (sang cọc - PV), lướt sóng kiếm lời.
Từng đoàn xe ô tô của nhóm "cò" đất lùng sục khắp các vùng quê của huyện Bàu Bàng và Bến Cát để săn tìm đất.
Ghi nhận thực tế, tại khu vực Mỹ Phước 4 (phường Thới Hòa, TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương), năm 2016 giá đất tại khu vực này chỉ khoảng 400 triệu đồng/nền có diện tích 150m².
Đầu năm 2019 tăng lên 900 triệu đồng. Đến năm 2021 đã tăng lên 1,55 tỷ đồng 1 nền có diện tích 150m².
Còn tại Bàu Bàng, đất ở những khu vực gần chợ và khu công nghiệp được giới đầu tư săn lùng, thu gom rồi tạo "thị trường" để bán ra với giá cao gấp nhiều lần.
Từ những lô đất nằm gần đường nhựa hoặc bê tông đến những lô đất chưa có thổ cư (đất nông nghiệp) được "cò" thổi giá lên gấp 5 - 6 lần so với thực tế.
Cụ thể, tại khu vực xã Trừ Văn Thố của huyện Bàu Bàng, nhiều mảnh đất nông nghiệp đang trồng cây cao su đã bị giới đầu tư mua hết, sau đó phân từng nền nhỏ với các diện tích 135m2 (5x27), 150m2 (5x30) rồi rao bán với giá từ 700 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng tùy vị trí.
"Cò" dẫn khách vào xem đất tại các lô cao su vừa được chặt hạ.
Anh H, một môi giới đất có thâm niên ở khu vực Bàu Bàng cho biết, giữa năm 2020, giá đất nông nghiệp tại xã Trừ Văn Thố chỉ rơi vào khoảng 1,2 triệu đồng/m2 nhưng từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, giá đất đã được đẩy lên từ 8 - 10 triệu đồng/m2.
"Đa số các thửa đất nông nghiệp tại khu vực này đã đều có chủ hết và đã được sang tay nhiều người. Giờ khách mua có nhu cầu thì phải mua qua "cò" và phải chịu mức giá cao hơn so với giá thực tế", anh H chia sẻ.
Những thửa đất nông nghiệp được giới đầu cơ thu gom, rồi phân thành những lô nhỏ để rao bán.
Chiêu của "cò đất"
Trong vai người có nhu cầu mua đất để đầu tư, chúng tôi được nhóm "cò" đất đến từ TP Dĩ An tư vấn, mời chào nhiều lô đất tại khu vực xã Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng), đoạn giáp ranh với KCN Chơn Thành (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước).
Dẫn chúng tôi đi một vòng xem đất, T cho biết, hiện khu vực Trừ Văn Thố đang có "thị trường" rất sôi động nên mua đất thời điểm này là hợp lý và có khả năng sinh lời rất cao. Nếu không có nhu cầu giữ đất, khách có thể đặt cọc trước từ 50 - 100 triệu đồng rồi chờ 30 ngày ra công chứng chuyển nhượng.
Trong thời gian chờ công chứng, khách hàng có thể gửi lại lô đất đã mua cho "cò" nhờ tìm kiếm khách khác mua lại để hưởng chênh lệch. Mức chênh lệch mà T. cho biết dao động từ vài chục triệu đồng.
"Có khi gặp hên, một ngày anh có thể kiếm cả trăm triệu mà không cần phải xuống tiền mua đất luôn, bởi thị trường đất tại khu vực này đang rất sốt, chỉ cần đặt cọc rồi bán luôn là có lời rồi", T. nói
Xe ô tô của nhóm đầu cơ và "cò" đậu kín tại các quán cà phê.
Thực chất, hình thức kinh doanh bất động sản như nhóm của T. hiện đang làm được trong giới gọi là nhà đầu tư thứ cấp hàng F3, F4 kiêm "cò lẻ". Tức là tự mua, bán lại vừa săn người có nhu cầu bán, mua để kết nối giao dịch, ăn hoa hồng.
Với hình thức này, "cò" sẽ kiếm được nhiều tiền hơn khi vừa bán được hàng của mình, vừa được hưởng hoa hồng chính từ sản phẩm mà mình vừa bán từ cả khách mua lẫn khách bán.
"Cò" đi từng nhóm, thu gom đất rồi sau đó tạo thị trường sốt ảo để bán ra với giá cao gấp nhiều lần.
Qua quan sát, chúng tôi được biết hình thức mà "cò đất" ở khu vực này để tạo cơn sốt đất là kéo từng đoàn đi qua một số vị trí đất, rồi tập trung tại các quán cà phê rồi tự giao dịch với nhau dưới hình thức viết cọc, sau đó lăn tay, ký vào giấy cọc rồi quay live stream, chụp ảnh đưa lên mạng xã hội để làm "thị trường" nhằm tìm kiếm khách hàng.
"Nhóm chúng tôi đã đi gom đất tại khu vực này rồi. Bây giờ chỉ việc tập trung lại tạo ra các giao dịch ảo để đăng tải lên mạng xã hội, thu hút khách. Khi đã có khách liên hệ xem đất thì phải tìm mọi cách thuyết phục để cho khách xuống tiền", một "cò" đất tiết lộ.
Theo Hồng Đăng
Dân Việt