CHUYÊN GIA BÀN CÁCH “RÃ BĂNG” CHO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN

29/11/2022 - Tin thị trường
Thanh khoản chậm, hàng tồn kho nhiều đẩy thị trường vào giai đoạn ngủ đông. Có ý kiến còn cho rằng, một số phân khúc và khu vực đang rơi vào tình trạng “đóng băng”.

Thị trường bất động sản gặp khó

Thống kê từ đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, tính đến ngày 30/9, dữ liệu từ 15 doanh nghiệp bất động sản lớn được niêm yết trên sàn chứng khoán ghi nhận, tổng lượng tồn kho là gần 261.000 tỷ đồng, tương đương 10,4 tỷ USD, tăng gần 7,4% so với quý trước và tăng hơn 28% so với cùng kỳ.

Liên quan đến vấn đề hàng tồn kho, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup đưa ra dữ liệu đáng chú ý, đó là thời gian vòng quay hàng tồn kho tăng ở mức rất cao, lên mức trên 1.497 ngày ngày, tức hơn 4 năm. Đây là mức cao đáng báo động cho các doanh nghiệp bất động sản. Theo ông Thuân, đây là một con số rất đáng quan ngại.

Chuyên gia bàn cách “rã băng” cho thị trường bất động sản - Ảnh 1.

Lý giải giai đoạn khó chồng khó của thị trường bất động sản, giới chuyên gia cho rằng, sự điều chỉnh một số chính sách đặc biệt việc co hẹp nguồn vốn vào thị trường bất động sản đã tạo nên khó khăn cho việc giải ngân vốn vay cho ngân hàng đồng thời người mua cũng đắn đo khi đưa ra quyết định. Những điều này đã khiến hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, một vấn đề đáng lo ngại chính là niềm tin của nhà đầu tư. Theo ông Hiếu, hiện tại niềm tin của nhà đầu tư ở mức rất thấp.

Với sự mất tin tưởng của nhà đầu tư trên thị trường vốn nói chung, bao gồm cả thị trường trái phiếu, cổ phiếu mà tất cả các quỹ phát triển cũng đang gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt các quỹ đầu tư phát triển nhà ở, bất động sản hầu như tất cả các kênh vốn đang đóng băng. Tình hình này rất rủi ro cho nền kinh tế.

Trong văn bản kiến nghị và tại các diễn đàn, cũng như trả lời giới truyền thông, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhấn mạnh nhiều lần về sự rất khó khăn của thị trường bất động sản. Ông cho rằng, thị trường có thể rơi vào suy thoái. Trong đó, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn, đặc biệt là rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản. Tình thế khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản có một số điểm tương đồng nhưng cũng có điểm khác biệt so với thời điểm tiền khủng hoảng đã dẫn đến thị trường khủng hoảng "đóng băng" trong giai đoạn 2008 – 2013.