CHIẾN LƯỢC TẠO LẬP ĐIỂM ĐẾN – XU HƯỚNG MỚI CỦA THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN

28/12/2023 - Tin thị trường
Trong khoảng 5 năm gần đây, thị trường bất động sản ghi nhận sự xuất hiện của xu hướng phát triển mới, đó là chiến lược tạo lập điểm đến nhằm thu hút không chỉ dân cư mà cả du khách. Xu hướng này hiện chưa phổ biến và thuộc về số ít bởi không phải chủ đầu tư nào cũng đủ tiềm lực để tạo điểm đến cho vùng đất.

Thị Trường Bất Động Sản Và Chiến Lược Tạo Lập Điểm Đến

Quan sát diễn biến của thị trường bất động sản Việt Nam, không khó để nhận ra, xu hướng tạo lập điểm đến ở các dự án bất động sản mới chỉ xuất hiện ở một số chủ đầu tư có tiềm lực mạnh, phần lớn là các ông lớn địa ốc trên thị trường như Vingroup, Ecopark, Gamuda Land. Tại Hà Nội, các dự án đang trở thành điểm đến đều tập trung tại phía Đông thủ đô, nơi quỹ đất còn dồi dào và hạ tầng giao thông phát triển mạnh.

Một dự án bất động sản mang tính chất điểm đến đáng chú ý của thị trường Hà Nội thời gian gần đây là Mega Grand World Hà Nội. Đây là quần thể ẩm thực – vui chơi giải trí – mua sắm ngay trong chính nội khu Ocean City với quy mô 18,7ha của Vingroup. Bên cạnh bất động sản nhà ở, Mega Grand World chú trọng phát triển yếu tố điểm đến với phong phú hoạt động trải nghiệm, khám phá cho khách tham quan như diễn thực cảnh kết hợp công nghệ mapping 3D trên sân khấu thuyền, các hoạt động lễ hội đường phố diễn ra 365 ngày trong năm với diễu hành định kỳ, ca nhạc đường phố châu Âu, xiếc đường phố, biểu diễn dàn kèn đồng Châu Âu, Lễ hội thắp lửa… hay các hoạt động vui chơi giải trí ở công viên thu nhỏ.

Tạo lập điểm đến – hướng đi mới của thị trường bất động sản.

Đáng chú ý, trong chiến lược tạo lập điểm đến, Mega Grand World đã thu hút hàng loạt các thương hiệu lớn ở các mảng ẩm thực, thời trang, tiêu dùng như Highlands Coffee, Trung Nguyên Legend, Quán nhậu Tự do, Yukichi Ramen, Mậu Dịch Restaurant, Hazzys Golf, Louis Castle, DirtyCoins, Boo Bò sữa…

Cũng thuộc phía Đông thủ đô, khu đô thị Ecopark cũng kiến thiết chuỗi không gian công cộng, tiện ích và dịch vụ để nơi đây trở thành một điểm đến của người dân thủ đô và vùng lân cận. Với quy mô 500ha, Ecopark có tỷ lệ xây dựng chỉ khoảng 20%, toàn bộ phần diện tích còn lại được dùng để phát triển cảnh quan cây xanh và hệ thống tiện ích, dịch vụ. Mảng xanh rộng lớn và các không gian công cộng, tiện ích tại dự án là nơi cư dân và du khách có thể picnic cuối tuần, đi thuyền kayak, đạp xe, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí trong các công viên như công viên Mùa Hạ, công viên Mùa Xuân… Ecopark cũng tổ chức định kì các sự kiện lễ hội, chợ quê vào các dịp cuối tuần để đa dạng hoạt động và tăng trải nghiệm cho cư dân và du khách khi đến với dự án.

Hay dự án Gamuda City của Gamuda Land tại Hoàng Mai cũng là một điểm picnic, vui chơi của chính cư dân và người dân thủ đô mỗi dịp cuối tuần với điểm đến là công viên Yên Sở. Gamuda City ôm trọn Công viên Yên Sở. Dự án có quy mô 500ha, riêng diện tích của công viên Yên Sở lên đến hơn 300ha, được bao phủ bởi cây xanh, hồ nước và các công trình văn hoá – giải trí. Công viên Yên Sở thuộc dự án Gamuda City đã trở thành điểm hẹn với dã ngoại, vui chơi giải trí, tổ chức sự kiện, teambuilding, chụp ảnh cưới, kỷ yếu…

Tạo Lập Điểm Đến – Sự Phát Triển Bền Vững Của Thị Trường Bất Động Sản

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, việc một số chủ đầu tư phát triển các dự án bất động sản thành các điểm đến với các tiện ích, dịch vụ độc đáo không chỉ thu hút dân cư mà còn thu hút du khách là yếu tố quan trọng tạo nên các cộng đồng dân cư, cộng đồng du khách tại mỗi dự án. Những yếu tố này sẽ kích thích giá cả và giá trị của chính dự án, nâng tầm các vùng đất mà dự án toạ lạc. Trên thực tế, rất nhiều dự án, khu đô thị bị bỏ hoang vì chỉ có nhà ở, thiếu các thiết chế về hạ tầng xã hội, các dịch vụ và tiện ích đi kèm. “Các dự án điểm đến này còn đóngvai trò quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển theo hướng lành mạnh, bền vững”, ông Đính nhấn mạnh.

Giới trẻ đổ bộ check-in "phố tây" giữa lòng Thủ đô

Các điểm đến đông nghịt du khách dịp cuối tuần.

Một khảo sát thực tế của phóng viên Nhamoiland ghi nhận, các dự án mang tính chất điểm đến này đều có sự tăng trưởng của dòng tiền và giá bán. Đơn cử, Mega Grand World Hà Nội đông kín khách trong tuần đầu tiên mở cửa. Phóng viên đã phải đi rất nhiều nhà hàng, quán ăn mới có chỗ ngồi. Chủ một số gian hàng shophouse tại đây tiết lộ mức doanh thu đạt được trong dịp cuối tuần Noel vừa qua cán mốc 50-80 triệu đồng/ngày. Các dự án mang tính chất điểm đến khác của Vinhomes là Vinhomes Smartcity hay Vinhomes Ocean Park Gia Lâm (giai đoạn 1 của Ocean City) cũng thu hút đông đảo dân cư đến an cư và du khách đến trải nghiệm. Mức tăng giá ở các dự án này khá ấn tượng, từ mức 30 triệu đồng/m2 của 5 năm trước, hiện giá bán căn hộ tại hai khu đô thị đang xác lập mặt bằng giá mới là 80-100 triệu đồng/m2.

Tương tự, khu đô thị Ecoaprk hay Gamuda City đều có vị trí xa trung tâm nhưng tính chất điểm đến của các dự án đã kéo được người dân từ nội thành đến sinh sống, hình thành các cộng đồng dân cư đông đảo. Giá bán căn hộ tại Ecopark từ khoảng giá 20 triệu đồng/m2 của các năm 2016-2017, hiện đạt mức 35-50 triệu đồng/m2. Căn hộ tại Gamuda City cũng từ khoảng giá 30 triệu đồng/m2 của 3-5 năm trước, tăng lên 40-50 triệu đồng/m2 ở hiện tại.

Nhà đầu tư Trịnh Hoàng Trung, trú tại Thanh Xuân Trung (Hà Nội) cho biết, với thị trường bất động sản thì dòng người ở đâu, dòng tiền sẽ ở đó. Khi dòng người càng đông, dòng tiền càng lớn. Các dự án bất động sản có tính chất điểm đến sẽ là loại hình có dòng người lớn nhất. Về lâu dài, sẽ ghi nhận sự tăng trưởng của cả giá bán và giá thuê. Đây là loại hình mà ông Trung và nhóm bạn đầu tư đang mạnh tay đổ tiền.