CĂNG CƠ CHỐT GIAO DỊCH KHI "SỐT ĐẤT" ĐẠT ĐỈNH

02/06/2021 - Tin thị trường
Nhiều người vẫn chưa hết ngao ngán khi kể về các giao dịch trong cơn sốt đất vừa qua. Nhiều chủ đất, "lật kèo" không bán, hoặc đòi giá cao ngất ngưởng theo giờ…

Giá đất tăng chóng mặt

Ngay từ cuối tháng 4 vừa qua, với nhiều giải pháp ngăn chặn, cảnh báo về tình trạng "sốt đất" của chính quyền, giá đất nền ở nhiều địa phương đã được kiểm soát. Thậm chí, một số khu vực đã xuất hiện giảm giá, cắt lỗ.

Cơn "sốt đất" tạm thời đã hạ nhiệt, nhu cầu tìm hiểu thông tin đất đai của người dân cũng giảm mạnh. Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên (PV) Dân Việt, nhiều người có nhu cầu mua đất trong thời điểm "sốt đất" trên vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh rơi vào đàm phán, "chốt" giao dịch.

Anh Nguyễn Trọng Đăng (quê Nam Định) chia sẻ, dù lập nghiệp ở Hà Nội nhiều năm nay nhưng gia đình anh vẫn phải đi thuê nhà ở. Cuối năm ngoái (2020 -PV), anh quyết định đi tìm mua đất để xây nhà ở và kết hợp làm văn phòng công ty. Tuy nhiên, giá đất lại thay đổi liên tục, cảm giác như bị rơi vào "ma trận"…

Theo chia sẻ của anh Đăng, lúc đó, vào khoảng tháng 3, anh có tìm hiểu một lô đất tái định cư có diện tích 48m2 trên địa bàn phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. Sau khi tìm hiểu, anh thấy lô đất có vị trí thuận lợi và phù hợp với nhu cầu của anh. Thế nhưng, giá lô đất nhiều lần thay đổi dẫn tới không thể chốt giao dịch.

"Sau khi xem vị trí lô đất, tôi có hỏi lại về giá thì được môi giới báo chủ nhà vừa tăng giá. Giá có thể chốt giao dịch là 84 triệu đồng/m2, tăng 4 triệu đồng so với thông tin rao bán. Môi giới kia "dọa", anh không nhanh là có người đang chờ "chốt" giá kia rồi", anh Đăng kể lại.

cang-co-chot-giao-dich-khi-sot-dat-dat-dinh-1-1622591095509.jpg

Trong thời điểm "sốt đất", nhiều giao dịch mua bán đất không thể thực hiện do chủ nhà liên tục tăng giá. (ảnh IT)

Cũng theo lời anh kể, sau khi bàn bạc với gia đình, anh đã điện cho môi giới đồng ý "chốt" giá 84 triệu đồng/m2 trên. Nhưng vì lý do công việc anh phải hẹn thời gian làm thủ tục đặt cọc mua bán lô đất trên sang sáng ngày hôm sau.

Tuy nhiên, theo anh Đăng, tới lịch hẹn sáng hôm sau, anh gọi điện cho môi giới thì nhận được tin ngã ngửa, chủ lô đất đã tăng giá lên 94 triệu đồng/m2, nếu không đồng ý thì sẽ không thực hiện giao dịch nữa.

"Chỉ trong 2 ngày tìm hiểu lô đất nhưng giá đất đã tăng lên 14 triệu đồng/m2. Tôi thấy hoang mang quá và quyết định dừng đi tìm mua đất cho tới bây giờ", anh Đăng nói.

Hủy giao dịch sát giờ công chứng

Tương tự như trường hợp của anh Đăng, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Thiêm (ở Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chia sẻ, sau Tết Nguyên đán vừa qua, anh có đi tìm mua một lô đất để đầu tư. Với số vốn khoảng hơn 1 tỷ đồng, anh tìm đất tại các khu vực xa trung tâm của Hà Nội.

"Lựa chọn nhiều ngày, tôi có tìm thấy thông tin một lô đất ở xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tuy nhiên, mức giá ở đây đã được rao bán với lô đất 30m2 đường không đi được ô tô với giá 1 tỷ đồng", anh Thiêm nói.

cang-co-chot-giao-dich-khi-sot-dat-dat-dinh-2-1622591095511.jpg

Khi "sốt đất", giá đất trong ngõ nhỏ cũng được bán giá cao ngất ngưởng. (ảnh IT)

Theo anh Thiêm, gia đình cố gắng chấp nhận giá 1 tỷ đồng mua lô đất 30m2 trên (tương đương gần 34 triệu đồng/m2) vì tin vào đánh giá lô đất có vị trí tiềm năng như: không quá xa Trung tâm Thủ đô và cũng gần các khu đô thị lớn. Thế nhưng khi hẹn ra phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng thì được chủ nhà gọi điện thông báo "chỉ bán lô đất trên, nếu giá cao hơn 100 triệu đồng".

Tiếc thời gian đi xem, suy nghĩ nhiều ngày, anh Thiêm chấp nhận giá trên và hẹn chủ nhà đi ra phòng công chứng ngày hôm sau. Nhưng khi đến phòng công chứng, chủ nhà lại "lật mặt, báo giá lô đất tăng thêm 100 triệu đồng, tức 1,2 tỷ đồng/m2 thì mới bán.

"Khi tôi trao đổi gay gắt và tỏ vẻ không hài lòng về việc thay đổi giá liên tục, chủ nhà đã tắt điện thoại. Kể từ đó tới nay, tôi không gọi lại và họ cũng không gọi lại cho tôi", anh Thiêm kể.

Có thể thấy, 2 trường hợp chỉ là số ít nhưng cũng là điển hình phản ánh thực trạng "sốt đất" của Hà Nội nói riêng và nhiều tỉnh thành khác. Họ may mắn hơn nhiều người khác vì phải mua đất quá cao với thực tế. Bởi, thời gian "sốt đất", giá đất liên tục tăng một cách vô lý và không kiểm soát. Nhiều nhà đầu tư đã vướng vào guồng quay của "sốt đất" dẫn tới hệ quả thực tiễn, mua đắt nhưng để không được bán không xong.

Theo Minh Khôi
Dân Việt