BĐS CÔNG NGHIỆP TIẾP TỤC KHỞI SẮC TRONG LÀN SÓNG COVID LẦN THỨ 4
Báo cáo gần nhất của IHS Markit cho thấy Chỉ số Quản trị Sức mua (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam giảm xuống 53,1 điểm trong tháng 5/2021 từ mức 54,7 điểm của tháng trước đó. Đây là chỉ số thấp nhất kể từ tháng 2, kết thúc chuỗi tăng 3 tháng liên tiếp do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Tuy vậy, những nỗ lực của Chính phủ và các doanh nghiệp trong việc vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa duy trì sản xuất được kỳ vọng sẽ giúp sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển.
Giãn cách xã hội và hạn chế đi lại trong nước đã gây khó khăn cho các nhà đầu tư có nhu cầu thuê đất công nghiệp, nhà máy và kho bãi vì không thể thực hiện các chuyến thăm thực địa tại các tỉnh, địa phương. Song, tình hình hoạt động của khu vực công nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận những khởi sắc nhất định. Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết: “Trong làn sóng Covid-19 lần thứ 4, Việt Nam tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI. Tính đến ngày 20/5/2021, Việt Nam thu hút được tổng vốn FDI đăng ký đạt 13,9 tỷ USD. Công nghiệp chế biến chế tạo thu hút 6,1 USD (chiếm 43% tổng vốn), có 215 dự án mới với tổng vốn đăng ký đạt 2,57 tỷ USD và 222 dự án hiện có đăng ký tăng thêm 3,1 tỷ USD vốn. Các dự án sản xuất công nghiệp lớn nhất trong tháng 5/2021 đến từ nhóm doanh nghiệp Hồng Kông và Singapore ở 2 tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang.”
Đà tăng trưởng của bất động sản công nghiệp hưởng lợi tích cực từ các thương vụ M&A và nguồn cung bất động sản công nghiệp mới. Cụ thể:
Về hoạt động M&A, thị trường đã chứng kiến các thương vụ mới trong năm 2021. Điển hình, thương vụ Boustead Projects mua lại 49% cổ phần trong Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp KTG Bắc Ninh tại khu công nghiệp Yên Phong với giá khoảng 6,9 triệu USD. ESR Cayman Limited - nền tảng bất động sản hậu cần lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (BW), nhà phát triển bất động sản công nghiệp và hậu cần hàng đầu Việt Nam, đã công bố hợp tác thành lập liên doanh mới với mục tiêu sở hữu và cùng phát triển 240.000m2 tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 4 gần TP.HCM. Việc hợp tác này đánh dấu sự gia nhập của ESR Cayman Limited vào thị trường Việt Nam, mở rộng thêm phạm vi hoạt động của doanh nghiệp này tại khu vực Đông Nam Á.
Bất động sản công nghiệp Việt Nam đón nhiều dự án mới dù dịch bệnh phức tạp
Với các dự án sắp đi vào hoạt động, có thể kể đến dự án Logos Property có diện tích 81.000m2 tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh 1 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý 4/2021. Công ty Cổ phần Công nghiệp KCN Việt Nam đã mua lại quỹ đất rộng 250 ha với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD. Đơn vị này đặt mục tiêu phát triển các nhà máy và kho vận chất lượng cao, bền vững tại Việt Nam với danh mục đầu tư trải dài tại Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Đồng Nai và Long An.
Về nguồn cung mới, tính đến quý 1/2021, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cả nước có 370 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 115,200 ha. Trong đó, 328 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 34 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh thế cửa khẩu. Các khu công nghiệp này ước tính đã cung cấp khoảng 3,6 triệu việc làm mới ở cả phía Bắc và phía Nam.
Trong quý 1/2021, hàng chục dự án công nghiệp tại 13 tỉnh và thành phố đã được phê duyệt, hứa hẹn cung cấp hàng nghìn héc-ta diện tích công nghiệp mới để đáp ứng nhu cầu đầu tư trong những năm tới. Bắc Ninh là tỉnh có số lượng dự án tương lai lớn nhất với 5 khu công nghiệp mới. Cụ thể, khu công nghiệp Quế Võ III sẽ được đầu tư thêm 208.54 ha diện tích, với tổng số vốn là 120,87 triệu USD. Bắc Ninh cũng sẽ đón chào dự án Khu công nghiệp Gia Bình II có diện tích quy hoạch 208,54 ha, đầu tư bởi Tập đoàn Hanaka với tổng vốn đầu tư 172,17 triệu USD. Tỉnh Quảng Trị dự kiến cũng sẽ có thêm các khu công nghiệp mới như khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú với diện tích 529 ha. Thêm vào đó, dự án khu công nghiệp Quảng Trị có diện tích 481,2 ha cũng được phê duyệt với tổng vốn 90,17 triệu USD, phát triển bởi liên doanh ba nhà đầu tư, gồm Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam – Singapore; Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa và Sumitomo Corporation.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, các dự án khu công nghiệp như Sông Lô, Tam Dương 1 và Thái Hoà – Liên Sơn – Liên Hoà với tổng diện tích lên tới 500 ha cũng sẽ được giới thiệu trong thời gian tới. Song song với đó, nhiều dự án mới dự kiến sẽ sớm được triển khai tại các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Vĩnh Long.
Tại phía Nam, UBND tỉnh Đồng Nai đã công bố kế hoạch xây dựng ba khu công nghiệp mới với tổng diện tích 6.475 ha nhằm giải quyết vấn đề quá tải của các dự án đang hoạt động. Cụ thể, dự án gồm: Khu công nghiệp Long Đức 3 có diện tích 253 ha ở xã Long Đức (H.Long Thành); Khu công nghiệp Bàu Cạn - Tân Hiệp rộng 2.627 ha ở xã Bàu Cạn, Tân Hiệp (H.Long Thành) và Khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn tại xã Xuân Quế, Sông Nhạn khoảng 3.595 ha (H.Cẩm Mỹ). Ba khu công nghiệp này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2020, tầm nhìn 2030.
Long An dự kiến sẽ có dự án công nghiệp mới giá trị 59 triệu USD tại huyện Đức Hoà. Thủ tướng Chính Phủ cũng có quyết định chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Thế Kỷ do Công ty TNHH Hải Sơn làm chủ đầu tư, thực hiện tại xã Hữu Thạnh, huyện Đức Hoà, phía nam tỉnh Long An. Dự án có quy mô sử dụng đất trên 119 ha, với tổng vốn đầu tư là 1.355 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 400 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được nhà nước bàn giao đất. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp quyết định cho phép đầu tư.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Long An, tỉnh dự kiến sẽ có thêm khoảng 1.500 ha diện tích đất giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2021. Các ngành thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhất là dệt may và hàng may mặc, giày dép, thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản, chế biến thực phẩm, đồ uống và sản xuất.
Theo Duy Bách BĐS