BẤT ĐỘNG SẢN PHÍA TÂY HÀ NỘI – MẢNH ĐẤT “HÁI RA TIỀN” NHỜ LỰC HÚT MỚI

28/06/2021 - Tin thị trường
Không ồn ào, tấp nập, thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội vẫn hiện diện với nhiều lực hút đầy hấp dẫn, được dự đoán là mảnh đất “hái ra tiền” trong tương lai gần.

16.png

Thị trường bất động sản phía Tây Thủ đô đang quay lại đường đua đầy sôi động sau thời kỳ dài bị lãng quên (Ảnh IT)

“Dòng nước chảy đến khúc sông cong bao giờ cũng thúc vào bờ. Ngoài làm lở đất và chảy cuộn lại mang lượng đất đỏ bồi đắp cho phía bên kia sông còn giúp hình thành “bên bồi”, “bên lở”. Cụ thể ở đây, bờ sông Hồng phía Đông chính là bên lở và bờ phía Tây chính là bên bồi”. Đó là nhận định của Viện Trường Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam Bùi Văn Doanh khi nói về tiềm năng phía Tây Hà Nội.

Đồng quan điểm, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, khi quỹ đất nội đô chật chội thì phía Tây Hà Nội sẽ là điểm đến đầy hấp dẫn cho các nhà đầu tư và khách hàng mua để ở. Sự phát triển của bất động sản phía Tây là tất yếu.

Khu vực phía Tây chiếm tới 80% lượng giao dịch 

Theo Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2021 của Savills, có khoảng 942 căn được mở bán ra thị trường đến từ 4 dự án mới và giai đoạn mới của 3 dự án đã mở bán. Số lượng nguồn cung này đã tăng 396% theo quý và 39% theo năm.

Đáng chú ý, khu vực phía Tây chiếm 83% nguồn cung mới. Hầu hết nguồn cung mới trên thị trường đều đến từ 3 dự án tại huyện Hoài Đức. Tổng nguồn cung sơ cấp trên thị trường đạt 1.979 căn, tăng 28% theo quý và tăng 47% theo năm. Huyện Hoài Đức dẫn đầu với 37% thị phần, theo sau là Hà Đông với 28%.

Dự kiến, trong năm 2021, thị trường sẽ có khoảng 3.600 căn từ 16 dự án được mở bán. Hầu hết nguồn cung tương lai này đều nằm tại huyện Hoài Đức và Đan Phượng. Khu vực phía Tây với quỹ đất lớn và cơ sở hạ tầng cải thiện sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường.

Không chỉ chiếm phần lớn về nguồn cung, khu vực phía Tây Hà Nội còn dẫn đầu thị trường biệt thự, liền kề về thanh khoản. Trong quý I/2021, hoạt động thị trường đạt 934 giao dịch, tăng 83% theo quý và 232% theo năm.

Trong đó, khu vực phía Tây chiếm tới 80% lượng giao dịch. Tỷ lệ hấp thụ ở mức 47%, tăng 14 điểm phần trăm theo quý và 26 điểm phần trăm theo năm. Riêng huyện Hoài Đức chiếm 56% thị phần giao dịch trên toàn thị trường, theo sau bởi quận Hà Đông với 24%.

Về mức giá, báo cáo của Savills ghi nhận có những diễn biến rất khả quan. Giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 4.463 USD/m2, tăng 4% theo quý và 12% theo năm. Giá trung bình của nhà liền kề là 4.664 USD/m2, giảm 3% theo quý và tăng 14% theo năm.

Với nhà phố thương mại, giá trung bình khoảng 7.860 USD/m2, giảm 2% theo quý nhưng tăng mạnh đến 26% theo năm.

Như vậy, thị trường bất động sản phía Tây Thủ đô đang quay lại đường đua đầy sôi động sau thời kỳ dài bị lãng quên. Để có được sức bật mạnh mẽ đó là nhờ vào nhiều yếu tố mang tính lực đẩy từ cơ sử hạ tầng đến các ưu ái về chính sách, đầu tư.

Cơ sở hạ tầng – “thay da đổi thịt” mỗi ngày

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến thị trường phía Tây được đánh giá tích cực là do sự “thay da đổi thịt” mỗi ngày của cơ sở hạ tầng. Hàng loạt công trình, dự án về giao thông, hạ tầng, tiện ích vui chơi… liên tiếp được đầu tư bằng các nguồn vốn ngân sách hoặc xã hội hóa.

Đơn cử như tuyến đường Tây Thăng Long, Đại lộ Thăng Long, đường vành đai 3, vành đai 3.5, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương hay đường Trung Văn nối với Mễ Trì - Mỹ Đình được đầu tư xây dựng, tạo thành một chuỗi giao thông liên hoàn kết nối toàn bộ khu vực phía Tây với trung tâm cũ, biến khu vực này trở thành trục phát triển mạnh mẽ nhất của Hà Nội. Với sự bứt tốc mạnh mẽ về hạ tầng, giờ đây, bất cứ ai đi trên những trục đường huyết mạch của khu Tây Hà Nội đều có thể cảm nhận được tầm vóc của một khu vực phát triển năng động.

Nhận định về điều này, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, nếu như giai đoạn trước, cơ sở hạ tầng của khu vực này còn nhiều hạn chế, kiềm chế sự phát triển của khu vực, thì thời gian gần đây, hệ thống giao thông, các tuyến đường lớn cùng hạ tầng xã hội, dịch vụ đã được cải thiện rõ rệt.

Đồng quan điểm, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu, tư vấn Savills Hà Nội cũng cho rằng, bất động sản phía Tây đã có thời gian đóng băng, giá nhà đất "chìm xuống" và giữ ở mức 35 - 40 triệu đồng/m2 trong suốt nhiều năm liền. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhà đất khu vực này đã nóng trở lại với hạ tầng được hoàn thiện, nhiều dự án lớn được triển khai, các dự án cũ cũng được khởi công trở lại.

Điều này đã giải bài toán về điều kiện sống, chất lượng hạ tầng xã hội phục vụ cư dân cho khu vực. Chính vì vậy, các nhà đầu tư và khách hàng mua để ở đã có niềm tin hơn và tiếp tục tham gia vào thị trường, khiến nhà đất phía Tây Hà Nội sôi động trở lại về giao dịch và mức giá tăng đáng kể.

Khu vực biểu tượng cho sự phát triển của đô thị

Đồng bộ với việc nâng cấp hạ tầng giao thông, khu Tây Hà Nội còn là điểm đến của sự dịch chuyển các cơ quan đầu ngành cả nước, cụ thể như: Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Hành chính Quốc gia, Sở Tư Pháp, Thanh tra Nhà nước Thành phố Hà Nội, Bộ Ngoại giao... giúp hình thành cộng đồng cư dân trí thức.

Khi nội đô quá eo hẹp về quỹ đất, chật chội về quy hoạch thì khu Tây chính nơi phù hợp nhất cho việc hình thành các trung tâm kinh tế - chính trị.

Nhiều dịch vụ - tiện ích phục vụ nhu cầu cuộc sống như hệ thống trường học đào tạo từ cấp mầm non cho đến tiểu học, trung học và đại học, bệnh viện, siêu thị cũng được hình thành. Đặc biệt, trung tâm mua sắm Aeon Mall tại Hà Đông là một trong những mắt xích quan trọng tạo nên sự bùng nổ về hệ thống tiện ích tại khu vực này. Nhờ những yếu tố này, khu vực phía Tây đang ngày càng đáp ứng đầy đủ nhu cầu sống đa dạng và cao cấp cho cư dân.

Một lực đẩy quan trọng khác tạo đà cho sự phát triển thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội là sự vươn lên mạnh mẽ của bất động sản Hoài Đức. Với thông tin sắp “lên quận”, Hoài Đức nhanh chóng trở thành tâm điểm thu hút mọi mối quan tâm của các nhà đầu tư lớn, nhỏ. Đây cũng là tâm điểm quan trọng nhất của khu Tây khi chiếm lượng lớn thị phần giao dịch trên thị trường.

Như vậy, không thể phủ nhận, khu vực phía Tây Thủ đô hiện đang là biểu tượng cho tốc độ phát triển của Hà Nội nói chung và bất động sản nói riêng.

“Bến đỗ” của nhiều ông lớn bất động sản

Trước nhiều tiềm năng được khai phá, cùng sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, phía Tây Hà Nội đang chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt ông lớn trong lĩnh vực bất động sản. Đây vừa là minh chứng rõ nhất cho sự trỗi dậy của vùng đất này vừa là lực đẩy thu hút nhiều hơn nữa những dự án đầu tư về sau.

Hàng loạt dự án bất động sản lớn đã được kiến tạo, đơn cử như Khu đô thị Splendora An Khánh, Vân Canh, Ciri An Khánh, Lideco - Bắc Quốc lộ 32, Vinhomes An Khánh hay Hinode Royal Park…

Chính nhờ các dự án được triển khai đầu tư, đi kèm các đồng bộ tiện ích đã góp phần thay đổi bộ mặt phía Tây, khiến không chỉ các ông lớn mà nhiều nhà đầu tư nhỏ hay các khách hàng có nhu cầu mua để ở cũng muốn được nhảy vào đây xí phần.

Chia sẻ với PV, anh Hoàng Anh Tú – nhà đầu tư lâu năm trong lĩnh vực bất động sản nhận định: “Với những ai biết “đi tắt, đón đầu” đầu tư ở khu Tây Hà Nội sẽ là một thành công rất lớn. Bởi, chỉ khoảng 3 năm nữa, đây sẽ trở thành khu vực sôi động nhất nhì Thủ đô. Lúc đó, giá thành sẽ không còn “mềm” để những nhà đầu tư nhỏ lẻ như chúng tôi có thể chen chân vào”.

Theo Hà Thương/reatimes.vn