BẤT ĐỘNG SẢN PHÍA TÂY HÀ NỘI CÒN CƠ HỘI SỐT NÓNG THỜI ĐIỂM CUỐI NĂM?
Báo cáo thị trường BĐS quý 2/2021 của Savills Việt Nam cho biết giá sơ cấp trung bình của tất cả các loại hình biệt thự, liền kề, shophouse Hà Nội đều tăng trong quý này. Trong đó, khu vực phía Tây Hà Nội ghi nhận mức tăng cao đột biến với mức tăng 29% cho biệt thự, 38% cho liền kề và 59% cho nhà phố thương mại.
Khu vực phía Tây cũng dẫn đầu thị trường với huyện Hoài Đức ghi nhận giao dịch chiếm 39% thị phần, theo sau bởi Quận Hà Đông với 19%. Tỷ lệ hấp thụ ở mức 59%, tăng 9 điểm % theo quý và 30 điểm % theo năm. Quý 2/2021 có mức hấp thụ cao nhất kể từ quý 2/2019, với nhà liền kề và nhà phố thương mại chiếm 83% lượng giao dịch. 63% lượng mở bán mới đã được hấp thụ.
Báo cáo của Savills cũng khẳng định 5 năm qua giá sơ cấp trung bình của phân khúc nhà thấp tầng trong khu đô thị liên tục tăng với tốc độ 7% mỗi năm. Hiện, trong quý 2/2021 giá biệt thự đạt 4.907 USD/m2, tăng 10% theo quý và 3% theo năm. Giá trung bình của nhà liền kề là 5.173 USD/m2, tăng 11% theo quý và 16% theo năm. Với nhà phố thương mại, giá trung bình khoảng 8.135 USD/m2, tăng 4% theo quý và 11% theo năm.
Đánh giá về thị trường biệt thự, liền kề, shophouse khu vực phía Tây, ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, khu vực phía Tây luôn chiếm 40% nhu cầu của toàn thị trường. Ngay cả trong bối cảnh thị trường bị tác động bởi dịch Covid-19 thì đây vẫn là khu vực sôi động nhất. Đặc biệt, khi thị trường bất động sản thiếu vắng nguồn cung mới do điểm nghẽn về pháp lý thì nguồn cung phân khúc thấp tầng cũ dồi dào khu vực này tiếp tục thắng thế.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh - phát triển dự án, đại diện Him Lam Land cho biết: "Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, dòng tiền đổ vào bất động sản phía Tây gia tăng mạnh mẽ. Sức mua vì thế cũng tăng theo. Tuy nhiên, thị trường khu Tây lại khan hiếm nguồn cung mới shophouse, liền kề, biệt thự. Trong suốt 2 năm qua cả khu vực này chỉ ghi nhận 1-2 dự án thấp tầng ra hàng".
"Về tình hình giao dịch, nếu như giai đoạn 2018-2019 các dự án nhà ở thấp tầng trong khu đô thị thanh khoản trầm lắng, giá gần như đứng im thì đến năm 2020 giao dịch bắt đầu tăng trở lại. Gần cuối năm 2020 giao dịch tăng đột biến, điển hình dự án Shophouse Him Lam Vạn Phúc ghi nhận mức thanh khoản kỷ lục lên chỉ sau vài tháng mở bán. Có giai đoạn cháy hàng khi giỏ hàng mới chưa kịp ra. Nhiều nhà đầu tư mua Shophouse Him Lam Vạn Phúc đợt đầu hiện đã sắp được nhận bàn giao để vào kinh doanh hoặc nếu bán ra đã có thể chốt lời tiền tỷ", vị này cho biết thêm.
Nguồn cung biệt thự, liền kề, shophouse mới khan hiếm khu vực Tây Hà Nội.
Đánh giá về thị trường BĐS phía Tây Hà Nội liên tục sôi động trong thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng khu vực phía Tây có tiềm năng hơn cả vì hạ tầng đầy đủ, kéo cư dân lao động nước ngoài làm việc ở đây khá đông, tạo ra sự nhộn nhịp hơn hẳn so với các khu vực còn lại. Chính vì thế, sự phát triển của BĐS phía Tây là tất yếu bởi đây là khu vực đã được quy hoạch bài bản.
Cùng với đó, do khan hiếm nguồn cung cũ, cộng với nhu cầu mua an cư lẫn đầu tư tăng cao đang đẩy giá khu vực này thiết lập mặt bằng giá mới. So với đầu năm 2020, giá đã tăng khoảng 30%. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia mức tăng này vẫn còn khá thấp và sẽ tiếp tục tăng tiếp bởi hiện nay việc giãn dân cư về khu vực Tây Hà Nội đang diễn ra nhanh chóng khi những đại đô thị quy mô lớn đã và đang tạo nên khu trung tâm mới cho phía Tây, tạo sức bật lớn cho thị trường bất động sản chung của khu vực.
Ông Matthew Powell, Giám Đốc, Savills Hà Nội cho biết BĐS vùng ven trên toàn cầu đang cho thấy nguồn cầu mạnh mẽ. Đây là phản ứng trực tiếp đối với sự bùng phát của Covid khi có xu hướng rời xa các Thành phố với mật độ dân cư cao cũng như tính thuận tiện của xu thế làm việc ở nhà mang lại. Hà Nội cũng đang mở rộng ra các vùng ven, tuy không chịu ảnh hưởng như toàn cầu mà ảnh hưởng nhiều hơn do các yếu tố về giá và hạ tầng. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều sự quan tâm hơn tới loại hình bất động sản nhà ở thấp tầng ở các khu vực phía Tây và phía Đông thủ đô.
Theo Nhịp sống kinh tế